Ông Bùi Tín lại “băn khoăn suy nghĩ”, lại “đau xót”, lại “cay đắng”-giãi bày trong bài “Hòa giải hòa hợp tự tâm hay tính toán chính trị” vừa được Đài VOA “post” lên mạng hôm 13-4.
Đây không phải lần đầu ông Bùi Tín viết bài vu khống Đảng ta. Kể cả vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc cũng là nội dung đã quá nhàm mà ông từng nhiều lần rêu rao. Nhưng tôi cam đoan với bạn đọc bài viết này của ông quá lẩn thẩn, lộn xộn đến mức khiến người đọc chân chính phẫn nộ. Hay vì tuổi ông đã quá cao, đầu óc không còn bình thường nữa nên mới viết lách lẩn thẩn như thế.
Nghiêm trọng nhất là ông lại đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta ra so sánh với cuộc chiến tranh nội chiến giữa các tiểu bang của nước Mỹ hồi thế kỷ XIX-khi mà Abraham Lincoln đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1860, 11 tiểu bang theo chế độ nô lệ ở miền Nam Hoa Kỳ đã tuyên bố ly khai và lập ra Liên minh miền Nam (Confederate States of America); 25 tiểu bang còn lại ủng hộ Chính phủ Liên bang miền Bắc (Union). Cuộc phân tranh Nam-Bắc kéo dài 4 năm và chấm dứt khi quân miền Nam đầu hàng năm 1865. Chính vì bản chất của cuộc chiến là cuộc tranh chấp nội bộ, nên sau nội chiến mới có chuyện hai bên, kẻ thua người thắng đều coi nhau như anh em một nhà. Người chết trận hai bên được chôn chung nghĩa trang…
Còn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược. Đó là cuộc chiến đấu giữa hai trận tuyến chính nghĩa và phi nghĩa-giữa người bị xâm lược là dân tộc ta và kẻ đi xâm lược là đế quốc Mỹ, nên không thể đưa ra so sánh với cuộc nội chiến của nước Mỹ được.
Còn chế độ Việt Nam cộng hòa. Như chúng ta đều biết, sau khi quân Pháp thua trận Điện Biên Phủ, nước Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta, họ đã dựng lên chế độ Ngô Đình Diệm-một chế độ bù nhìn ở miền Nam.
Mỹ “bơm” tiền của vào nuôi chế độ ngụy quyền Sài Gòn và sử dụng chế độ này như một tay sai không hơn, không kém.
Sự lệ thuộc của Ngô Đình Diệm vào Mỹ đã được tác giả Stephen Kinzer viết nhân sự kiện cấp dưới lật đổ ông ta năm 1963 như sau: “Vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 1-11-1963, ông Diệm gọi điện thoại cho đại sứ Mỹ Cabot Lodge để thăm dò thái độ của người Mỹ về việc các tướng lĩnh dưới quyền tổ chức đảo chính… Cabot Lodge đã khuyên Ngô Đình Diệm từ chức và lưu vong như mong muốn của phe đảo chính để bảo toàn tính mạng. Tổng thống Ngô Đình Diệm nhận thức rằng người Mỹ đã bật đèn xanh với âm mưu đảo chính của các tướng lĩnh” và ông đã cay đắng thuận theo. Còn Nguyễn Văn Thiệu-người kế nhiệm Ngô Đình Diệm thì năm 1975 thua trận, lên thang máy bay tỵ nạn sang Mỹ, còn quay lại nói: “Mỹ còn viện trợ, thì chúng tôi còn chống cộng”.
Như vậy, chúng ta có thể thấy trái ngược với lý tưởng yêu nước của Quân đội nhân dân Việt Nam, chế độ Việt Nam Cộng hòa chỉ là một đám quân ô hợp, không mục tiêu, không lý tưởng nào ngoài việc sống kiếp tay sai cho Mỹ. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta được kết thúc bằng Tổng tiến công và nội dậy Xuân 1975 không thể là một cuộc nội chiến, mà nó là cuộc chiến tranh giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ và chế độ bù nhìn tay sai của chúng.
Sự thật hiển nhiên đó chả nhẽ ông Bùi Tín lại không hiểu?
Ngoài việc xuyên tạc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông Bùi Tín còn ngang nhiên bôi nhọ cả chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng ta, khi viết rằng: “Tôi vẫn không hiểu nổi sao lãnh đạo Cộng sản Việt Nam lại nuốt lời hứa trịnh trọng về hòa hợp, hòa giải dân tộc do chính họ từng đưa ra tại các cuộc đàm phán?” (đàm phán bốn bên tại Paris, từ năm 1968, NV).
Việt Nam hôm nay đã là một quốc gia độc lập. Vị thế của nước ta ngày một được khẳng định trên trường quốc tế. Với đạo lý, nền văn hóa hòa hiếu của dân tộc Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Kể cả với những nước trong quá khứ đã từng mang quân sang xâm lược Việt Nam, chúng ta vẫn rộng cửa quan hệ, với quan điểm: Gác lại quá khư, hướng tới tương lai.
Đảng và Nhà nước ta đã triệt để thi hành những chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc từ nhiều năm nay. Nhờ vậy mà nhiều người kể cả ngụy quân, ngụy quyền trước đây đang sống lưu vong ở nước ngoài có nguyện vọng trở về đất nước đều được tạo điều kiện thuận lợi để họ thực hiện mong muốn chính đáng của mình. Việc ngày càng nhiều các nghệ sĩ hải ngoại quay trở lại Việt Nam để sinh sống, gây dựng sự nghiệp đã minh chứng rõ ràng nhất cho sự đúng đắn, sự thực tâm trong chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Ấy vậy mà, cho tới nay ông Bùi Tín vẫn “nhắm mắt bịt tai” trước những sự thật hiển hiện đó để viết những điều bịa đặt!
Huy Nguyễn