Cháo dinh dưỡng, sữa đậu nành… đều nhiễm vi sinh Qua khảo sát 49 mẫu cháo dinh dưỡng ăn liền tại TP.HCM của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, kết quả có đến hơn 93% không đạt các chỉ tiêu về hóa lý và vi sinh. Các mẫu cháo dinh dưỡng này được nấu sẵn, ăn liền và không có thương hiệu, dưới dạng có bao gói sẵn có khối lượng cố định và dạng rời cho vào hộp, bịch được bày bán tại nhiều nơi. Tương tự, khảo sát 30 mẫu sữa đậu nành được bày bán lẻ (tại các chợ và xe hàng rong) trên địa bàn TP.HCM cũng cho thấy có đến 50% mẫu sản phẩm không đạt chỉ tiêu vi sinh và tiêu chuẩn hóa lý và phần lớn các mẫu không đạt do nhiễm các loại vi sinh như E. Coli và Coliforms. Đây là các loại vi khuẩn vốn sinh sống nhiều trong phân người, phân động vật và nguồn nước ô nhiễm. Ngoài ra, sữa đậu nành không được tiệt trùng, theo thời gian vi khuẩn sẽ sinh sôi, có thể gây bệnh cho người uống và làm hỏng sữa. Kết quả chất lượng và nguy hại của các sản phẩm làm sẵn, bày bán rong đã từng được cảnh báo trước đây. Tuy nhiên, lâu nay do thói quen và ý thức xem nhẹ VSATTP của người tiêu dùng nên mặc nhiên các loại thực phẩm được chế biến sẵn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có chứng nhận VSATTP vẫn được bày bán tràn lan. Đây chính là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm và là đầu mối các bệnh lây truyền qua đường ăn uống, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng trong thời gian qua. Hệ quả từ ý thức kém vệ sinh an toàn thực phẩm Tại hội nghị, một số đề tài nghiên cứu đã đưa ra kết luận về thực trạng, đó là: “Sữa đậu nành bán rong, cháo dinh dưỡng ăn liền và các thực phẩm làm sẵn… nhiễm vi sinh, nhiễm bẩn đều bắt nguồn từ ý thức, thái độ và thực hành VSATTP của người sản xuất, người bán hàng và cả người tiêu dùng”. Qua khảo sát gần 400 cơ sở sản xuất thực phẩm (quy mô vừa và nhỏ) tại An Giang trong năm 2009 cho thấy tỉ lệ nhà sản xuất có kiến thức đúng về VSATTP là xấp xỉ 2%; có thái độ đúng về VSATTP là 24% và khoảng 0,3% thực hành đúng về VSATTP. Phần lớn nhà sản xuất chưa thực hiện đúng trong việc bảo quản thực phẩm, kiểm tra nhiệt độ của thực phẩm khi nhập hoặc xuất hàng. Còn tại Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận), chỉ có khoảng 38% người kinh doanh thức ăn đường phố có thực hành đúng về kỹ năng và dụng cụ chế biến (khảo sát trên 316 người bán hàng được lựa chọn ngẫu nhiên). Từ thực trạng này, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM kiến nghị cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, quy định về VSATTP để nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhà sản xuất và các cá nhân tham gia quá trình chế biến thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm VSATTP. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng các loại thực phẩm được chế biến, bảo quản và vận chuyển không hợp vệ sinh. Nên tự bảo vệ mình và gia đình bằng cách sử dụng các sản phẩm có nhãn mác, được sản xuất theo quy trình công nghệ tiệt trùng khép kín và được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận. Minh Anh (TH)