Các tuyến quân y gồm: Hỏa tuyến (từ đồn địch tới hàng rào thép gai) làm nhiệm vụ đầu tiên là tìm kiếm thương binh, tử sĩ, cấp cứu thương binh, chuyển thương binh và tử sĩ ra cửa mở. Đây là tuyến quan trọng và khó khăn nhất. Tuyến 1 là trạm quân y trung đoàn (tuyến gần của mở nhất), có nhiệm vụ tập trung phân loại nhanh thương binh, xử trí sơ bộ và rửa sạch các vết thương, xử trí những trường hợp tối khẩn cấp rồi chuyển về tuyến 2. Tuyến 2 là đội điều trị đại đoàn, có nhiệm vụ xử trí gọn vết thương phần mềm nhẹ và những trường hợp cấp cứu khẩn cấp, xử trí triệt để hoặc một phần các trường hợp nặng theo khả năng chuyên môn. Tuyến 3 là đội điều trị và bệnh viện dã chiến có nhiệm vụ điều trị những trường hợp nặng và chuyên khoa vượt khả năng của tuyến trước, giữ lại điều trị hoặc chuyển theo yêu cầu, chuẩn bị thu dung cho đợt sau.
Một điểm mới trong chiến dịch Điện Biên Phủ, là có một đội điều trị chuyên nhận thương binh ngay tại mặt trận để bổ sung quân số và 1 đội điều trị chuyên nhận thương binh cột sống, sọ não. Đó là nhận thương binh nhẹ từ các trạm quân y trung đoàn và các đội điều trị với các tiêu chí: vết thương phần mềm nông, diện hẹp, triển vọng trở lại đơn vị trong 1, 2 tuần. Không để thương binh nhẹ về hậu phương, loại này trung bình thường chiếm trên 50% tổng số thương binh. Thực tế đã bổ sung được nhiều chiến sĩ về các đơn vị chiến đấu. Đội điều trị thương binh cột sống, sọ não nhận thương binh từ các đội điều trị và bệnh viện dã chiến chủ yếu những trường hợp đã xử trí triệt để hoặc một phần để tiếp tục xử trí, chăm sóc, nuôi dưỡng trước khi vận chuyển bằng xe tải về hậu phương.
Tới đầu tháng 3-1954, tất cả các đội điều trị trên tuyến 1 đã xây dựng xong "bệnh viện ngầm". Mỗi nơi có một phòng mổ với 2 bàn mổ. Có nơi làm thêm phòng mổ thứ 2, đề phòng bom, pháo địch phá hủy. Các đội điều trị tuyến 2 của đại đoàn cũng tiến gần bộ đội hơn và có những đường hào dẫn xuống tuyến 1. Các đội vận tải chuẩn bị hàng nghìn cáng, võng. Các tổ quân y của tiểu đoàn, đại đội thì hướng dẫn cho bộ đội cách vệ sinh cá nhân, tự cứu chữa cho nhau, cách sử dụng băng, nẹp với quyết tâm sau khi bị thương 30 phút sẽ được y tá chăm sóc, trong 3 giờ về đến phòng mổ trung đoàn và 4 giờ thì tới đội điều trị có kỹ thuật cao hơn. Trận mở màn chiến dịch ngày 13-3, quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam. Y tá Lương Văn Vọng, dân tộc Tày, Cao Bằng đã dũng cảm, băng qua bom đạn tới bất cứ nơi nào có thương binh. Bị thương lần thứ hai vào bụng, Vọng không chịu băng bó cho mình vì để dành mấy cuốn băng cuối cùng cho đồng đội. Anh còn nhảy vào hầm địch tìm băng, thuốc và dụng cụ quân y để cứa chữa thương binh. Gặp nguy hiểm, anh lấy tiểu liên, lựu đạn đánh sập một hỏa điểm địch, dùng báng súng đập chết một tên Âu Phi để bảo vệ thương binh. Trận này, Lương Văn Vọng đã cấp cứu hàng chục thương binh, tiêu diệt ổ súng máy, 1 tên địch và bắt sống 3 tên khác.
Giáo sư Trần Lưu Khôi, nguyên Chủ nhiệm quân y Đại đoàn 308, nguyên Viện trưởng quân y 103 kể: Chọn phương châm "đánh chắc, tiến chắc" đối với quân y chúng tôi là phải chuẩn bị mọi mặt, phục vụ tới cùng. Với một trung đội vận tải và dân công tăng cường, Đội điều trị 8 đã triển khai một hệ thống hầm hào kiên cố, chống được phi pháo của địch dọc khe suối Hồng Lếch, cách trạm cấp cứu Trung đoàn 101 và 88 từ 1.500 đến 2.000m còn Trung đoàn 36 thì xa hơn. Chúng tôi có thể cứu chữa thường xuyên cho 150 thương, bệnh binh. Các hầm mổ, hồi sức, pha chế thuốc được làm chắc chắn hơn, bác sĩ đứng mổ thoải mái. Hầm cho thương binh có giường nằm bằng cây, lót lá và trải vải hoặc ni lông. Mọi hoạt động của y, bác sĩ, nhân viên và thương binh đều ở dưới hầm. Ánh sáng cho những ca mổ dùng bằng đèn xe đạp đi-na-mô, ra-đi-ốt do anh em thay nhau đạp. Chiến dịch kéo dài, các đợt tác chiến ác liệt, thương binh do đạn bắn thẳng, mìn ngày một nhiều, có đợt mổ liên tục 2, 3 ngày đêm mới hết. Khó khăn chính là thiếu thuốc, truyền dịch và không có máu để tiếp. Nhờ vòng vây khép chặt nên dù tiếp tế có cả thuốc men của địch rơi sang ta cũng khá. Trong chiến dịch, chúng tôi đã tổ chức tốt việc cứu chữa thương binh, bệnh binh của đại đoàn và các đơn vị phối thuộc,. Chỉ tiêu hiệp đồng là hơn 2.000 thương binh, trong đó có 35% được trả về đơn vị tiếp tục chiến đấu.
Sau chiến dịch, có một công việc mà quân y phải đảm nhiệm nhưng không lường trước được. Đó là giải quyết chăm sóc các thương, bệnh binh địch. Đội điều trị 8 của Đại đoàn 308 nhận nhiệm vụ này ngày 8-5-1954. Chỉ trong vòng 5-7 ngày, Đội triển khai xong một bệnh viện dã chiến trên cánh đồng Mường Thanh để phẫu thuật, chăm sóc cho 858 thương binh địch. Trước đó, họ phải nằm trên những chiếc giường 3 tầng trong các căn hầm nhỏ, sặc mùi hôi tanh, mủ từ giường trên nhỏ giọt xuống giường dưới, ở dưới đất là một lớp bùn nhầy nhụa các chất thải, mủ máu, các phần chân tay bị cắt đang thối rữa, đầy dòi bọ. Thương binh của địch như được quân đội ta đưa từ “âm ty” lên trần gian cho sống lại, họ cảm động trước lượng khoan hồng và lòng vị tha của ta bao nhiêu thì oán trách những người chỉ huy của họ bấy nhiêu. Ngày 25-5-1954 người tù thương cuối cùng đã rời Mường Thanh bằng máy bay.
Kim Hồng