Hiện trường vụ cháy Carina.
**Nạn nhân gánh chịu thiệt hại nhất
**
Hầu hết những vụ cháy nổ, nhất là ở những toà nhà cao tầng đều dẫn đến thiệt hại về người và của hết sức nghiêm trọng, nên công tác khắc phục hậu quả không hề đơn giản.

Lại nói về việc tìm ra chủ đầu tư đích thực của chung cư Carina để ràng buộc về trách nhiệm bối thường thì cho đến nay, theo thông tin mới nhất, chủ đầu tư thuộc Công ty Hùng Thanh là một công ty TNHH với vốn điều lệ vỏn vẹn chỉ có 41,2 tỷ đồng. Mà để khắc phục sự cố cháy chung cư Carina vừa qua thì Công ty Hùng Thanh phải bỏ ra gấp rất nhiều lần như thế (chưa có con số chính xác vì chưa kiểm định hết được thiệt hại). Nghĩa là chắc chắn Công ty Hùng Thanh sẽ phải phá sản. Như vậy đồng nghĩa với việc đền bù thiệt hại về người và tài sản của cư dân sống trong chung cư này sẽ là hết sức nan giải, nếu như không muốn nói là vô vọng. Đó là chưa nói, sau đây là “cuộc chiến” pháp lý không có hồi kết của những cá nhân và pháp nhân do họ gây nên - phần thiệt thòi đương nhiên là những nạn nhân của tòa nhà.

Chính vì những rắc rồi không thể lường hết được như trên mà Nghị định 23 của Chính phủ ban hành về việc bảo hiểm cháy nổ, bắt buộc các công trình nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại cao tầng tất các nhà đầu tư phải mua báo hiểm bắt buộc.

Nhưng có một thực trạng đáng buồn là dường như đa số các chủ đầu tư đều phớt lờ quy định này, trong khi người mua nhà lại không quan tâm đến việc chủ đầu tư có mua hay không mua bảo hiểm cháy nổ!

**Hãy tự bảo vệ mình
**
Trong bài viết này chúng tôi muốn chia sẻ với các độc giả về một trong những giải pháp giảm thiểu rủi ro cho tính mạng, tài sản và ngôi nhà của bạn trong trường hợp xảy ra cháy nổ; đòi hỏi chủ nhân trước khi mua ngôi nhà, nhất là nhà chung cư phải dành thời gian nghiên cứu rất kỹ những quy định và tính pháp lý của tòa nhà cũng như căn nhà mình mua.

Có thể bạn sẽ mua được ngôi nhà rẻ do chủ đầu tư không mua, hoặc mua “gói” bảo hiểm thấp. Nghĩa là nếu ngôi nhà bị cháy, bạn có thể giảm thiệt hại đáng kể, có thể thiệt hai một phần, hoặc thiệt hại toàn bộ là phụ thuộc phần lớn vào “gói bảo hiểm” của tòa nhà chủ đầu tư mua bảo hiểm; cũng như bảo hiểm tự nguyện bạn mua cho căn phòng của bạn. Và bạn luôn luôn nhớ một nguyên tắc: “Bảo hiểm không làm giảm cháy nổ, bảo hiểm chỉ làm giảm hậu quả của cháy nổ” nên ý thức phòng ngừa cháy nổ của mọi người vẫn là tối quan trọng.

Trao đổi với đại diện lãnh đạo của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) là 1 trong 4 doanh nghiệp có doanh thu bảo hiểm cháy nổ lớn nhất trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, ông cho rằng hiện nay còn một hạn chế khá phổ biến là người mua bảo hiểm không hiểu đầy đủ trách nhiệm tuân thủ pháp luật và thực hiện nghiêm túc đầy đủ công tác PCCC tại các công trình được bảo hiểm, nên lại hiểu nhầm đã mua bảo hiểm cháy nổ thì đương nhiên được bảo hiểm đền bù toàn bộ khi cháy nổ xảy ra.

Giải thích thêm về nội dung trên, Đại diện nhà dầu tư khu đô thị Ciputra Hà Nội, thuộc Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long dẫn ra một ví dụ: Mặc dù doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc bảo hiểm cho các nhà chung cư trong khu đô thị Ciputra, nhưng việc bảo hiểm chỉ thực hiện với toà nhà và những tài sản thuộc sự quản lý của doanh nghiệp.

Nghĩa là, với tài sản của các căn hộ thì chủ hộ vẫn phải hợp đồng bảo hiểm với các đơn vị bảo hiểm, tự nguyện mua một gói bảo hiểm cháy nổ cho gia đình mình thì khi xảy ra rủi ro mới được bảo hiểm đền bù.

Hoài Phi