Đồng chí Nguyễn Đăng Thành, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Ninh Bình đưa chúng tôi đến “thực mục sở thị” những doanh nhân tiêu biểu của Hội. Tôi đã hết sức ngỡ ngàng gặp lại người quen - Bác sĩ Phạm Đức Minh ở cầu cảng của Công ty TNHH Đông Đô.
Ngỡ ngàng hơn khi biết anh là Giám đốc của Công ty vận tải biển này. Công ty có những con tàu 2.000 tấn, thường xuyên có 300 công nhân làm việc; hơn một nửa là con em đồng đội của anh.
Còn nhớ năm 1990. Khi đó tôi là phóng viên của Báo QĐND về Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 công tác. Biết tôi cũng từng làm nghề y trong quân đội, đồng chí Sư trưởng giới thiệu một bác sĩ có tinh thần say mê học tập, nghiên cứu; một “mẹ hiền” luôn hết lòng vì bệnh nhân đang công tác tại Bệnh xá của Sư đoàn. Đó chính là anh, Bác sĩ Phạm Đức Minh.
Hôm ấy gặp anh về, tôi còn nói vui với đồng chí Sư trưởng, từ lần sau phải giới thiệu thêm: anh đẹp trai nhất đơn vị và còn giỏi làm công tác dân vận nữa.
Sau cái bắt tay thật chặt, tôi hỏi:

  • “Mẹ hiền” bỏ nghề thầy thuốc rồi à?
  • Ồ, còn say mê lắm. Kể cả 5 kỹ thuật cấp cứu tôi cũng chưa quên (ý nói kể cả công việc của y tá anh cũng vẫn nhớ-NV).
    Anh bảo tối tối anh vẫn đọc sách y học. Có người nhờ vẫn chữa bệnh.
    Vợ anh đã xác nhận với tôi điều anh nói là đúng.
  • Thế có “chữa bệnh” cho doanh nghiệp không?
    Nghe tôi hỏi, chị Nhung, phóng viên truyền hình Ninh Bình đỡ lời:
  • Bác sĩ đích thực đấy. Bác sĩ cộng đồng. Không chỉ trong công ty, mà cả tỉnh này ghi nhận, có bằng giải thưởng hẳn hoi.
    Cứ tưởng chị Nhung nói vui, nhưng không phải. Chị nói đúng. Ra thế. Người ta gọi anh là bác sĩ cộng đồng; bác sĩ công ty. Vì anh luôn nghĩ ra những sáng kiến cải tiến kỹ thuật để bảo vệ môi trường, mà trực tiếp là bảo vệ sức khỏe cho anh em công nhân công ty.
    Ví dụ điển hình nhất là sáng kiến cải tiến dây chuyền bốc dỡ clanh-ke. Trước đây bốc dỡ lộ thiên theo kiểu truyền thống, để bụi mù mịt, làm ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân bốc vác và cả môi trường xung quanh nữa. Đó là chưa nói thất thoát một lượng clanh-ke không nhỏ.
    Từ khi đưa dây chuyền bốc dỡ clanh-ke vào hoạt động đã cơ bản khắc phục được bụi bẩn; nâng sản lượng bốc dỡ lên 7.000 tấn/ngày và không còn thất thoát sản lượng.
    Tôi được biết để thực hiện đề tài cải tiến kỹ thuật này không chỉ kiến thức, mà anh còn phải đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng “lò”; lắp ráp các thiết bị trong dây chuyền khép kín…
    Vũ Văn Mạnh, công nhân bốc dỡ của công ty hồ hởi khoe với tôi:
  • Sướng lắm chú ạ. Bây giờ bốc dỡ ngồi một chỗ “ấn nút” là xong, hạn chế được cơ bản bụi bẩn.
    Huy Thiêm