Cột đá chùa Dạm, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh có từ thế kỷ XI là hiện vật kiến trúc đặc sắc, tầm vóc hoành tráng, là biểu tượng sinh thực khí Linga và Yoni đã được Việt hóa. Cột mang mơ uớc mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no thịnh trị.

Tượng Tam Thế chùa Linh Ứng, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành ra đời đầu đời Trần thế kỷ thứ XIII. Cả ba pho tượng đều có nhiều nét giống nhau là từ bi và Phật tính. Tuy nhiên mỗi pho tượng đều có những chi tiết, họa tiết riêng, thể hiện cá tính, hình thức và sắc thái tư duy khác nhau.

Các pho tượng tạo bằng đá xanh, cấu tạo thành ba phần bệ tượng, tòa sen, thân tượng, đều ở trong tư thế, sắc tướng của tượng Tam Thế trong tòa Tam Bảo.

Rồng đá Đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh có hình dáng tượng nửa mình rắn, nửa mang tư thế và móng vuốt như rồng... hình ảnh này chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Tượng rồng được tìm thấy trong khuôn viên nơi từng là tu gia của Thái sư Lê Văn Thịnh, người đỗ trạng nguyên khoa thi đầu tiên của nhà Lý năm 1075, nên nhiều nguời cho rằng, tượng chính là nơi gửi gắm những tâm sự về nỗi oan khiên mà Thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu trong vụ án trên hồ Dâm Đàm (hồ Tây) đời vua Lý Nhân Tông.

Bia “Xá lợi tháp minh” được Bảo tàng Bắc Ninh sưu tầm ở làng Xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành vào tháng 8/2012, có niên đại cổ nhất Việt Nam đến thời điểm này.

Nội dung trên bia có rất nhiều thông tin quan trọng ghi chép về sự kiện dựng tháp và đặt xá lợi vào năm Nhân Thọ nguyên niên (601) đời vua Tùy Văn Đế ở chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, đất Giao Châu. Qua đó, cho biết thêm về tình hình chính trị, giao thông, quan hệ ngoại giao, lịch sử Phật giáo tại Việt Nam giai đoạn thời Tiền Lý.

Tấm bia là Di sản văn hóa vật thể độc đáo ghi khắc về chùa Thiền Chúng, địa danh huyện Long Biên vùng đất Giao Châu, góp phần quan trọng minh chứng cho việc xác định địa danh Long Biên cũng như tên chùa Thiền Chúng xuất hiện duới thời Bắc thuộc vào thế kỷ thứ VII./.

Theo Vietnam+

(TH)