CCB Nguyễn Mạnh Thập đang xem lại các bài báo đăng Báo QĐND cách đây 60 năm.

CCB Nguyễn Mạnh Thập năm nay tròn 91 tuổi, được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, cán bộ Tiền khởi nghĩa, hiện cư trú tại tổ 13, khu phố 3, phường Vệ An, T.P Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã kể cho tôi nghe kỷ niệm sâu sắc trong thời gian phục vụ QĐND Việt Nam. Đồng chí ba lần viết bài đăng trên Báo QĐND, Nội san Hậu cần, thì cả ba lần đều được Bác Hồ đọc và có ý kiến với những đơn vị đã để xảy ra chuyện như trong các bài báo đã nêu.

Ông Thập kể: Tháng 7-1945, khi mới 13 tuổi tôi đã thoát ly gia đình tham gia lớp học Trinh sát mật, phục vụ hoạt động cho các cơ sở cách mạng thuộc Chiến khu 2, tỉnh Bắc Giang. Sau gần 5 năm hoạt động tại địa phương, tháng 3-1950, tôi xung phong gia nhập Quân đội khi tròn 18 tuổi. Một vinh dự lớn đến với tôi là được chọn đi học đào tạo Sĩ quan Lục quân Khóa VI, Khoa Pháo binh tại Vân Nam (Trung Quốc). Tốt nghiệp ra trường, tôi được điều động về làm cán bộ khung của Trung đoàn Tất Thắng; đầu năm 1962, được thăng quân hàm Thiếu úy và điều động lên cơ quan làm Trợ lý pháo binh thuộc Quân khu Hữu Ngạn.

Lần thứ nhất, vào cuối mùa đông năm 1962, mọi nơi đã rậm rịch chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, tôi được cử xuống nắm tình hình ở Trường quân sự Quân khu. Cái rét cuối năm ở vùng núi đá Ninh Binh như cứa vào da thịt mỗi người. Khi kiểm tra thấy các học viên trẻ thao tác động tác thiếu dứt khoát, đi lại thì co ro, tôi mới hỏi vui:

- Này các đồng chí Hạ sĩ quan pháo binh mà động tác chẳng hùng dũng tý nào?

- Anh em nói: Báo cáo Thủ trưởng, chúng em chưa đủ quần áo mùa đông!

Nghe anh em nói thế, tôi tự hỏi tại sao cuối mùa đông rồi mà quân trang lại chưa cấp đủ? Tôi tìm gặp các đồng chí lãnh đạo nhà trường để hỏi thì được biết: Phải đợi tái trù. À, thì ra phải đợi tái trù mà để chiến sĩ tái người. Tôi góp ý ngay tại chỗ và hôm sau trở về cơ quan, tôi viết bài báo “Từ tái trù đến tái người” gửi Báo QĐND.

Hơn 1 tuần sau, bài viết được đăng trên Báo QĐND. Một điều vui hơn nữa là đồng chí Đinh Hoàng - phóng viên Báo QĐND xuống tận Bộ Tư lệnh Quân khu gặp tôi và cho biết: Bác Hồ đã đọc bài báo của tôi đăng trên Báo, sau đó cắt bài báo và gửi sang Bộ Quốc phòng để kiểm tra. Thấy tôi lo lắng, đồng chí ấy đã cho biết thêm: Sự việc này tôi đã báo cáo với đồng chí Trần Độ (lúc đó là Chính ủy Quân khu rồi), cậu cứ yên tâm mà viết, không ngại gì cả, đặc biệt là cái tít bài báo hấp dẫn quá.

Đúng là quân lệnh như sơn! Trước Tết đúng 3 ngày, tất cả quân phục mùa đông của học viên đã được ô tô chở xuống và cấp phát đầy đủ cho mọi người và đồng chí cán bộ phụ trách công tác Quân nhu đã phải viết bản kiểm điểm trước đơn vị. Vậy là cái Tết năm ấy, tất cả các học viên đón một cái Tết ấm áp trong tình thương yêu của Bác Hồ.

Lần thứ hai là đầu năm 1963, tôi có dịp xuống công tác ở Tiểu đoàn pháo thuộc Sư đoàn 304. Qua kiểm tra thấy việc sử dụng xăng xe ở Tiểu đoàn huấn luyện không đúng với khẩu hiệu: “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, tôi đã viết bài gửi Tập san Hậu cần, thuộc Tổng cục Hậu cần. Sau đó bài báo cũng được đăng trong Tập san và thật ngẫu nhiên Bác Hồ lại đọc bài viết của tôi và chỉ thị cho Tổng cục Hậu cần kiểm tra, uốn nắn kịp thời.

Lần thứ ba cũng năm 1963, khi tôi đang công tác ở Phòng Pháo binh Quân khu Hữu Ngạn, hôm đó là thứ bảy, buổi tối mọi người đều được nghỉ, có một đồng chí cùng đơn vị đi chơi nhưng về muộn. Tôi có hỏi tại sao hôm nay anh về muộn thế, đồng chí ấy cho biết là: Trên đường trở về cơ quan thì bắt gặp một cô gái đang đau đẻ gần khu vực vườn hoa Đinh Tiên Hoàng, đường Trần Hưng Đạo, anh ấy đã giúp cô gái đẻ xong và “mẹ tròn, con vuông” tại khu vườn hoa. Hôm sau, tôi đã viết bài: “Anh bộ đội đỡ đẻ giỏi” và lại được đăng trên Báo QĐND. Được biết năm 1963 cũng là năm mà phong trào “Thiếu niên làm nghìn việc tốt” được phát động từ Trường phổ thông Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh), lan rộng ra cả nước và được Bác Hồ khen ngợi. Trong bài nói chuyện của mình với các đồng chí cán bộ tại Văn phòng Chủ tịch nước, Bác Hồ đã có câu khen: “Thiếu nhi thì làm nghìn việc tốt, bộ đội thì đỡ đẻ giỏi”, từ đó tôi mới biết Bác Hồ đã đọc bài viết của mình nên đã có câu ví von như vậy.

Câu chuyện tôi kể lại đến nay đã 60 năm trôi qua, vậy mà tôi vẫn thấy Bác Hồ dù bận trăm công, nghìn việc, nhưng Người vẫn thường xuyên theo dõi tình hình đời sống, sinh hoạt, học tập của mọi người, đặc biệt là các chiến sĩ Quân đội. Người còn thường xuyên nghe đài, đọc báo hằng ngày, từ đó thấy rõ tâm tư, tình cảm, tiếng nói và mong mỏi của mọi tầng lớp nhân dân. Thấy những việc làm tốt thì Bác gửi Thư khen ngợi, thấy những việc chưa tốt thì có ý kiến để cơ quan hoặc cá nhân khắc phục. Ngày nay, giá như mỗi cán bộ, đảng viên biết thường xuyên noi gương Bác, hằng ngày đọc báo, nghe đài để lắng nghe và xử lý những vấn đề “cần làm ngay” thì xã hội chúng ta tươi đẹp biết nhường nào. Cũng từ những bài báo rất nhỏ của tôi, nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi mong rằng các nhà báo hôm nay hãy viết những vấn đề mà mọi người đang cần, đang mong mỏi, cả những việc làm tốt và những việc chưa tốt để góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN thân yêu của chúng ta .

Linh Chi

(Ghi theo lời kể của CCB Nguyễn Mạnh Thập)