Hơn 30 năm đã trôi qua, bà Đỗ Thị Mưa vẫn quyết định giữ nguyên ngôi Nhà tình nghĩa mà Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không - Không quân xây tặng, làm nơi ở và thờ cúng cho người chồng liệt sĩ...

“Có được như ngày hôm nay, gia đình tôi rất biết ơn đến sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương cùng bà con lối xóm, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 363…” - đó là lời chia sẻ của bà Đỗ Thị Mưa, sinh năm 1952, vợ liệt sĩ Phạm Văn Khởi ở tổ dân phố Kha Lâm 4, phường Nam Sơn, quận Kiến An, T.P Hải Phòng.

Tiếp chúng tôi trong căn Nhà tình nghĩa do Sư đoàn 363 xây tặng gia đình bà từ năm 1990, bà Mưa kể: Năm 1975, bà kết hôn với ông Phạm Văn Khởi, ở cùng quê. Chồng bà là bộ đội tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Trong một trận chiến đấu, ông Khởi bị mảnh đạn găm vào đầu và bả vai trái, chấn thương rất nặng. Nhờ có thành tích trong chiến đấu, ông Khởi được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, được công nhận là thương binh hạng 1/4.

Trở về với đời thường, vợ chồng ông bà đã có những tháng ngày vất vả nhưng đầm ấm. Tuy nhiên, hạnh phúc ấy chỉ kéo dài được 10 năm. Năm 1985, do vết thương cũ tái phát, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, ông Khởi được chuyển vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng Người có công và xã hội tỉnh Hải Dương. Năm 1988, ông Khởi qua đời, được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Ông Khởi mất để lại cho bà Mưa 3 đứa con, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo nên cuộc sống vô cùng khó khăn, khổ cực. Ngoài việc làm nông, ai thuê việc gì bà Mưa cũng nhận làm, mong sao có tiền nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình. Cả 4 mẹ con bà sống trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào, gia đình không có điệu kiện xây mới hay sửa chữa. Thấu hiểu, chia sẻ với hoàn cảnh bà Mưa, năm 1990, Sư đoàn 363 khảo sát, cùng với chính quyền địa phương xây tặng gia đình bà căn Nhà tình nghĩa trên nền đất ngôi nhà cũ. Ngôi nhà mái bằng, rộng 40m2, công trình phụ đầy đủ, khang trang, sạch đẹp…

“Tính ra cũng đã hơn 30 năm trôi qua rồi, tôi vẫn nhớ như in cái ngày các chú bộ đội Sư đoàn 363 tổ chức lễ khánh thành và bàn giao cho gia đình tôi ngôi Nhà tình nghĩa; các con tôi đã reo lên vì vui sướng, còn tôi cảm động, không nói lên lời. Có lẽ nằm mơ tôi cũng không nghĩ gia đình mình có được ngôi nhà như vậy” - bà Mưa nhớ lại.

Hiện nay, dù tuổi đã cao, nhưng bà Mưa vẫn chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cháu và tham gia công tác xã hội ở địa phương. Phát huy truyền thống gia đình, cả 3 người con đều rất chăm ngoan, học giỏi và trưởng thành, gia đình hạnh phúc; trong đó người con trai thứ hai là anh Phạm Văn Quân, sinh năm 1982, từng là Chủ tịch UBND phường Trần Thành Ngọ (quận Kiến An), hiện là cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Kiến An.

Gia đình bà Mưa cũng có điều kiện để sửa sang, xây dựng nhà cửa thêm rộng rãi, khang trang. Tuy nhiên, bà Mưa vẫn quyết định giữ nguyên ngôi Nhà tình nghĩa mà Sư đoàn 363 xây tặng, làm nơi ở và thờ cúng cho người chồng liệt sĩ. Theo bà, làm như vậy để muốn nhắc nhở con cháu mình dù thế nào cũng không được quên truyền thống gia đình cùng những ngày tháng gian khổ được mọi người giúp đỡ; luôn biết phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, sống biết ơn, có nghĩa, có tình, trở thành người có ích cho xã hội...

Hằng năm, vào những ngày lễ, Tết, Sư đoàn 363 cùng chính quyền địa phương đều cử đoàn cán bộ đến thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình bà Mưa. Bà Mưa cũng thường xuyên cùng con, cháu vào thăm, tham gia các hoạt động cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Tình cảm của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn với gia đình bà ngày càng gắn bó, thân thiết; trọn nghĩa, trọn tình như những người thân trong gia đình.

Bài, ảnh: Cao Thanh Đông