
Thông tin xuyên tạc của tổ chức Việt Tân
Tinh gọn bộ máy để Tổ quốc vươn mình
(Tiếp theo và hết)
Bài 3 : Kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch
Tinh gọn tổ chức bộ máy để Tổ quốc vươn mình là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đang được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên với âm mưu chống phá, các thế lực thù địch lại hằn học, liên tục đưa ra những luận điệu xuyên tạc, gây hoang mang trong xã hội. Vì vậy, mỗi người dân, nhất là các CCB cần tỉnh táo trước luận điệu sai trái, bịa đặt, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch
Đầu năm nay, ngay sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 126-KL/TW (ngày 14-2-2025) và Kết luận số 127-KL/TW (ngày 28-2-2025) về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, trên một số trang mạng xã hội và báo chí phản động ở nước ngoài lập tức đăng tải những bài viết, ý kiến xuyên tạc vấn đề này như: Cho rằng sáp nhập là do “ý chí chủ quan” của cá nhân nhằm “ghi điểm, tạo dấu ấn” hoặc “triệt hạ đối thủ”; “sáp nhập một thời gian rồi sẽ tách ra”; “sáp nhập, tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức cũng chỉ vì lợi ích nhóm”...
Tổ chức khủng bố Việt Tân còn tiến hành cái gọi là “Luận bàn về bản chất của tinh giản biên chế”, trong đó mời một số người được gọi là “nhà khoa học” xuyên tạc về việc giảm biên chế là “bóp chỗ này, phình chỗ khác”, cán bộ giảm biên chế thực chất là cho “hạ cánh an toàn”… Một thủ đoạn khá tinh vi của các đối tượng thù địch là dựa trên số liệu chính thức của các cơ quan rồi “phân tích”, “bình luận”, “suy diễn”, “đổi trắng thay đen”. Chẳng hạn khi Chính phủ, Quốc hội và một số bộ, cơ quan sau khi sáp nhập, tổ chức lại số cán bộ cấp phó tăng hơn so với quy định, chúng lập tức rêu rao: “Càng tinh gọn lại càng phình ra”.
Sau khi có chủ trương sửa Hiến pháp, một số tổ chức phản động như Việt Tân, đài VOA tiếng Việt, RFA, RFI… cũng như một số trang mạng xã hội của các tổ chức phản động trong và ngoài nước lại vẫn chiêu bài cũ, cố tình xuyên tạc, bóp méo quan điểm, chỉ đạo, định hướng của Đảng, Chính phủ, Quốc hội nước ta về việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Cụm từ được chúng “nhai đi nhai lại” từ rất nhiều năm nay và thời gian này lại ráo riết tung ra đó là “đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013”. Chúng “hô hoán” lên rằng: “Nếu sửa đổi Hiến pháp liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có dám bỏ Điều 4 không?”, “Để đảm bảo quyền làm chủ của người dân thì Hiến pháp mới cần bỏ Điều 4 Hiến pháp”, “Sửa Hiến pháp: yêu cầu bỏ Điều 4 để nhân dân được tự do chính trị”, “Xóa điều 4 Hiến pháp để mọi người dân có quyền tham gia tự do ứng cử và bầu cử”…
Trong bài viết trên mạng xã hội cơ tiêu đề “Bộ Chính trị chỉ đạo sửa Hiến pháp 2013, giới chuyên gia nói gì?” của tên Minh Phước nào đó dẫn lời kẻ vi phạm pháp luật nay đã trốn ra nước ngoài Nguyễn Văn Đài ngang ngược cho rằng “Đảng yêu cầu sửa hiến pháp là vi hiến”. Bằng thủ đoạn dẫn dắt “chuyện nọ xọ chuyện kia”, Nguyễn Văn Đài được tác giả bài viết này “mớm lời” để rồi tung ra luận điệu chống phá “cũ rích” từ vài chục năm qua: “đã sửa đổi Hiến pháp thì cần phải sửa đổi luôn Điều 4 Hiến pháp để tạo ra một bước chuyển…để đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình”.
Chúng còn xuyên tạc rằng “Chuyện sửa đổi Hiến pháp chẳng qua là trò mị dân” và việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp chỉ là “Trò làm màu tốn thời gian”; và rằng “Quốc hội lại nổ: lấy ý kiến dân để sửa Hiến pháp”; “sửa đổi Hiến pháp sẽ hỏi ý kiến dân… nhưng dân đó là ai thì không ai rõ”; “lâu lâu lại nhớ tới dân còn tồn tại, nên lên ít thông tin để mị dân, để cho dân nghĩ rằng dân vẫn còn có giá trị, được quyền lên tiếng và đóng góp ý kiến cho chính quyền”; rồi chúng “vống lên”: “Trả lại đây cho nhân dân tôi. Quyền tự do, quyền con người. Quyền được nhìn, được nghe, được nói. Quyền được chọn chân lý tự do”…
Những luận điệu nói trên đã thể hiện rõ âm mưu chống phá của chúng và thực chất âm mưu này là đòi là xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng, gây mất đoàn kết trong Đảng, nghi ngờ trong nhân dân nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xóa bỏ thành quả mà bao năm qua nhân dân ta đã đổ vô vàn mồ hôi, xương máu mới xây dựng được.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái
Thực tế thời gian qua đã chứng minh, tinh gọn, tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy trong hệ thống chính trị được Đảng và Nhà nước ta triển khai với mục tiêu là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm chi phí “nuôi” bộ máy, dành nguồn lực cho phát triển đất nước, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Từ ngày 1-3-2025, các cơ quan, đơn vị mới thành lập sau sáp nhập chính thức đi vào hoạt động theo hướng tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, góp phần tạo động lực phát triển đất nước trong tình hình hiện nay.
Quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã giảm đáng kể số đầu mối, cơ quan. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy thực hiện theo nguyên tắc tổ chức hợp lý các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, thực hiện và chịu trách nhiệm chính, bảo đảm không chồng chéo, giao thoa, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Một kết quả bước đầu trong thực hiện chủ trương lớn này là mới đây, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về khả năng cân đối tài chính trong và sau quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước; thời điểm thực hiện từ đầu năm học mới 2025-2026.
Quyết sách này không chỉ giảm gánh nặng cho gia đình học sinh ở vùng khó khăn, mà còn bảo đảm cơ hội học tập tốt nhất cho học sinh ở mọi địa bàn, mọi độ tuổi, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương phổ cập giáo dục trung học; từ đó nâng cao trình độ dân trí và tạo nền móng vững chắc để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tại các địa phương trong cả nước, từ nhiều ngày qua, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan vừa được hợp nhất, sáp nhập, chuyển chức năng, nhiệm vụ đã bắt tay ngay vào kiện toàn, phân công, phân cấp, phân quyền nhiệm vụ, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ công tác của các đơn vị thông suốt ngay từ ngày đầu chính thức hoạt động. Đáng chú ý, từ ngày 1-3, tại công an xã, người dân được thực hiện một số thủ tục hành chính trước đây vốn thuộc thẩm quyền của công an huyện như: Đăng ký ô-tô, xe máy; cấp mới, đổi, cấp lại thẻ căn cước cho người đủ từ 14 tuổi trở lên và cho người dưới 14 tuổi; cấp tài khoản định danh điện tử cho cơ quan, tổ chức; tiếp nhận hồ sơ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe...
Hiến pháp là đạo luật gốc, rất quan trọng của mỗi quốc gia và việc sửa đổi Hiến pháp chính là nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của đất nước. Việc sửa Hiến pháp để cải cách bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp đang được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành tiến hành khẩn trương, trách nhiệm, đúng quy trình, quy định. Cùng với việc sửa đổi Hiến pháp, chúng ta cũng sẽ phải điều chỉnh các quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, liên quan các cấp hành chính, các cấp chính quyền, điều chỉnh nhiệm vụ của các cấp chính quyền đang từ 3 cấp sang 2 cấp. Đây đều là những việc quan trọng tất yếu phải triển khai để tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.
Căn cứ theo Điều 120 Hiến pháp 2013 quy định về việc sửa đổi Hiến pháp:… Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp. Dự kiến, việc sửa Hiến pháp lần này sẽ lấy ý kiến nhân dân trong 1 tháng, tổng hợp trong 5 ngày, thời gian lấy ý kiến diễn ra trong tháng 5, tháng 6.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trong kỳ họp Quốc hội tới đây (dự kiến khai mạc ngày 5-5-2025), ngoài các phiên họp theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội, bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đối với phiên thảo luận tại Hội trường về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Như vậy, mọi người dân ngoài việc được lấy ý kiến với quy trình tiến hành rất chặt chẽ, dân chủ, khách quan, tuân thủ các quy trình, thủ tục và đảm bảo sẽ lấy được đa dạng, đầy đủ ý kiến của các tầng lớp nhân dân; còn được theo dõi phiên thảo luận tại Hội trường của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Điều này càng khẳng định: Không có chuyện “mị dân” trong việc sửa Hiến pháp và lấy ý kiến Nhân dân như những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch suy diễn trong những ngày qua.
Thông tin xuyên tạc của tổ chức phản động Việt Tân
Trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá tinh vi của các thế lực thù địch, người dân cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Không nên chia sẻ trên mạng xã hội thông tin thất thiệt, thông tin chưa được kiểm chứng từ cơ quan chức năng. Việc lan truyền thông tin chưa được xác thực có thể gây hoang mang và ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.
Những trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần trang bị cho mình “bộ lọc” trong việc tiếp nhận thông tin cũng như “sức đề kháng” trước thông tin xấu độc, từ đó phát huy tính chủ động, kiên quyết đấu tranh với những đối tượng mượn danh “phản biện”, “dân chủ” để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân./.
BOX:
Chúng ta đang đứng trước 3 nhiệm vụ trọng tâm rất quan trọng của đất nước: Một là, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam ổn định, hòa bình. Hai là, phát triển đất nước đạt được các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030, năm 2045 -100 năm nhà nước Việt Nam độc lập, trở thành nước phát triển và có thu nhập cao. Ba là, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, thực hiện những điều mong muốn của Bác Hồ là ai cũng được ấm no, hạnh phúc, ai cũng được học hành.
Thực hiện được 3 nhiệm vụ này, mọi người dân Việt Nam đều phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc hòa bình, ổn định, đoàn kết. Ai cũng phải lao động sản xuất, phải sáng tạo, tạo ra nhiều của cải, vật chất cho đất nước hơn nữa, để đất nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đảng và Nhà nước phải đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tự do cho mọi người dân. Không được để người dân bị đói nghèo. Ai cũng được chăm sóc sức khỏe, ai cũng được học hành, ai cũng được thụ hưởng thành quả cách mạng của đất nước độc lập, tự do.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Thượng tá Nguyễn Văn Hoan, Thượng tá Phan Văn Cấp
(Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị)