M. Goóc-ba-chốp, Tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô.

Vào những ngày này cách đây 30 năm, dưới sự đạo diễn và sức ép của các thế lực thù địch, cơ chế tổng thống đã được thiết lập ở Liên Xô.

Sự kiện này ghi nhận sự đầu hàng của Chính quyền Xô-viết mà nhiều người lúc bấy giờ còn chưa nhận thức được, nhưng chỉ hơn sau 1 năm sau đó đã góp phần làm sụp đổ Nhà nước XHCN hùng mạnh nhất.

Còn trước đó 3 năm, tháng 1-1987, hệ thống Xô-viết bắt đầu bị tấn công từ mọi phía. Lợi dụng việc ông Côn-bin được điều về làm Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản

Ca-dắc-xtan thay cho ông Cu-na-ép về hưu, các phần tử cơ hội đã kích động  những xáo động quần chúng đầu tiên của thời kì Cải tổ tại nước cộng hòa này, biến vấn đề cán bộ thành vấn đề dân tộc. Tiếp đó là sự mở đầu quá trình công khai hoá các “điểm trắng” trong lịch sử Liên Xô; thực chất, đây là sự xâm lăng chống CNXH về thông tin, là sự tấn công vào tinh thần ái quốc truyền thống của nhân dân các dân tộc Xô-viết.

Trong bối cảnh đó, với cớ “Cán bộ giải quyết tất cả mọi việc”, M. Goóc-ba-chốp bắt đầu chiến dịch tảo thanh mà mục đích là loại trừ những cán bộ, đảng viên không ăn ý. Trong 3 năm, người ta đã thay thế toàn bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí xuất bản trung ương; 90,8% bí thư các tỉnh, khu và các nước cộng hoà; 82,2% bí thư và 123,1% các huyện uỷ viên, quận uỷ viên và thành uỷ viên (sở dĩ có con số 123,1% là vì vòng hai chiến dịch đã bắt đầu).

Năm 1989 xuất hiện cơ cấu chính quyền “hai tầng”: Đại hội Đại biểu nhân dân, về danh nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng thực tế chỉ có chức năng đại diện, do vậy, dần biến thành diễn đàn cho những kẻ đầu cơ chính trị thích khua môi múa mép; và Xô-viết Tối cao, hoạt động theo mô hình nghị viện, lúc này đã trở thành chính quyền không có những người cộng sản. Vấn đề thiết lập cơ chế tổng thống được các thế lực phản động tán thưởng, nhằm thay sự lãnh đạo tập thể bằng sự lãnh đạo cá nhân (cho dễ chi phối), và tách cá nhân đó khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô.

Bước sang năm 1990, tuy những mâu thuẫn và biến động xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng, vấn đề dân tộc ngày càng gay gắt, sự thống nhất của Liên bang ngày càng bị đe doạ, nhưng

M. Goóc-ba-chốp vẫn hăm hở đẩy nhanh tốc độ cải tổ chính trị. Đầu tháng 2, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô được triệu tập; nội dung chủ yếu là thảo luận “Cương lĩnh hành động đi theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, nhân đạo” sẽ trình Đại hội lần thứ XXVIII của Đảng. Hội nghị thông qua Dự thảo văn kiện này; kiến nghị sửa đổi Điều 6 trong Hiến pháp Liên Xô quy định Đảng Cộng sản Liên Xô là lực lượng lãnh đạo xã hội, thực hiện chế độ đa đảng ở Liên Xô, lấy “chủ nghĩa xã hội dân chủ” làm mục tiêu phấn đấu của Đảng; đồng thời đề nghị thực hiện chế độ tổng thống. Thực chất, đây là những quyết định khai tử Đảng Cộng sản Liên Xô.

Ngày 12-2-1990, Đoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô quyết định thành lập Uỷ ban Soạn thảo cơ chế thiết lập chức vụ tổng thống. Người đứng đầu Uỷ ban này mặc nhiên là Chủ tịch Xô-viết Tối cao M. Goóc-ba-chốp.

Ngày 12-3-1990, Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô thông qua quyết định chính thức sửa đổi Điều 6 trong Hiến pháp, thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, cho phép thành lập các chính đảng khác ngang hàng với vị trí của Đảng Cộng sản.

Ngày 14-3, Xô-viết Tối cao bầu Goóc-ba-chốp làm Tổng thống đầu tiên (sau nay cũng là cuối cùng) của Liên Xô, với quyền hành rộng rãi hơn nhiều so với quyền hành của Chủ tịch Xô-viết Tối cao trước đây; bao gồm quyền quyết định các vấn đề hành pháp, giám sát, nhân sự, quyền đề án và phủ quyết lập pháp, quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang, v.v… Tiếp đó, Hội đồng Tổng thống được thành lập cũng do Goóc-ba-chốp đứng đầu; hội đồng này khác Bộ Chính trị không chỉ về nhân sự, mà chủ yếu là về định hướng chính trị và bao gồm những thành phần “cấp tiến” như Ya-cốp-lép, Sê-va-nát-de..

Với thiết chế này, quyền đưa ra quyết sách chiến lược, quyền điều hành đất nước và bố trí nhân sự đã chuyển từ Bộ Chính trị như trước đây sang Goóc-ba-chốp và một nhóm người dưới quyền ông ta. Tuy rằng lúc đó - và kể cả sau Đại hội XXVIII - Goóc-ba-chốp vẫn là Tổng Bí thư, nhưng ông ta không còn chịu bất cứ sự ràng buộc nào của Trung ương Đảng.

Việc xuất hiện thiết chế tổng thống gây sự phấn khích cao độ cho các thế lực chống cộng. Một ngày trước khi Xô-viết Tối cao bầu tổng thống, khoảng 100 nghìn người đã biểu tình ăn mừng ở Mát-xcơ-va. Các buổi tụ họp tương tự cũng diễn ra ở Lê-nin-grát, Khác-cốp,

Tbi-li-si, Tôm-xcơ... Những người thông thuộc lịch sử nhớ lại sau Cách mạng tháng Hai năm 1917, giai cấp tư sản Nga đã soạn thảo đề án thiết lập chế độ tổng thống ở Nga nhưng không làm nổi. Còn giờ đây, sau hơn 70 năm chờ đợi, những kẻ kế thừa về mặt tư tưởng của họ đã có thể ăn mừng.

Đăng Song