Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), kết thúc năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu hơn 118.000 giáo viên. Cơ cấu đội ngũ giáo viên mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tình trạng thừa - thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật); chỉ tiêu phân bổ biên chế giáo viên tại nhiều địa phương hơn nhu cầu thực tế.

Đào tạo giáo viên chưa đồng bộ với Chương trình mới

Qua báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông”, cũng cho thấy, số lượng giáo viên chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên. Từ nay đến năm học 2024-2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên dạy ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn Nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên.

Tình trạng một số thầy cô lớn tuổi không theo kịp với sự đổi mới của chương trình, công nghệ, áp lực công việc về hồ sơ sổ sách nên không ít giáo viên đã xin nghỉ việc. Bên cạnh đó, các trường sư phạm chưa kịp đào tạo giáo viên dạy chương trình mới, nhất là đối với những môn tích hợp: khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, nghệ thuật… Tiếp đến, thầy cô nghỉ việc vì chế độ tiền lương không đủ sống, dù Nhà nước có thực hiện tăng lương cơ bản hằng năm theo lộ trình, nhưng thực tế tỷ lệ phần trăm tăng lương đó không theo kịp nhịp điệu tăng giá hàng hóa…

Thiếu giáo viên vẫn phải tinh giảm biên chế

Dù không phải là chuyện mới nhưng việc thiếu giáo viên lại xảy ra hằng năm. Trong khi các địa phương nỗ lực tuyển dụng, tìm các phương án để ký hợp đồng với các giáo viên về hưu, giáo viên mới ra trường để đảm bảo việc giảng dạy thì Ngành Giáo dục vẫn phải nhận “chỉ tiêu” tinh giản biên chế mỗi năm. Cụ thể, từ năm 2022 đến 2026, với đơn vị sự nghiệp phải tinh giản biên chế 10%.

Để giải quyết thực trạng việc thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, vừa qua Bộ Chính trị đã duyệt giao cho Ngành Giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn hơn 10.000 chỉ tiêu chưa tuyển dụng.

Hàng loạt trường đào tạo giáo viên bị cắt giảm chỉ tiêu

Hiện nay, cả nước có 56 trường đại học đào tạo Ngành Sư phạm, với 31 Ngành đào tạo trình độ đại học, một Ngành trình độ cao đẳng.

Từ năm 2022, các ngành thuộc nhóm Ngành Đào tạo giáo viên, Bộ GDĐT xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành đào tạo ở trình độ cao đẳng, trình độ đại học hình thức chính quy trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng của các địa phương và cả nước.

Các trường đại học, cao đẳng ĐH, CĐ trực thuộc UBND tỉnh/thành phố đào tạo nhóm Ngành Sư phạm phải được địa phương đặt hàng mới có chỉ tiêu đào tạo và sinh viên mới được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định.

Thống kê của Bộ GDĐT tạo cho thấy đến tháng 11-2022, gần 40 địa phương không đặt hàng đào tạo giáo viên. 11 trong 16 trường cao đẳng sư phạm không được giao chỉ tiêu năm tới cũng vì lý do này. Trong khi đó, giai đoạn 2022-2026, Ngành Giáo dục được Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên.

Trong khi thiếu giáo viên, nhưng nhiều địa phương không mặn mà với đặt hàng, đấu thầu để tạo nguồn tuyển vì cho rằng việc thực hiện, triển khai Nghị định 116 vẫn còn một số vướng mắc. Cụ thể, việc giao chỉ tiêu, đặt hàng, đấu thầu đến chi ngân sách đều thuận lợi, nhưng địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn khi sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong các cơ sở giáo dục, địa phương phải chịu trách nhiệm đòi lại khoản tiền hỗ trợ.

Để giải quyết triệt để bài toán thiếu - thừa giáo viên, cần giải pháp tổng thể, bền vững. Các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, bảo đảm số lượng và chất lượng; sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Bên cạnh đó,cần có thêm chính sách, cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề.

Hồ Thanh Hương