Vợ chồng Tổng thống Hàn Quốc (bên trái) và vợ chồng Thủ tướng Nhật Bản tại nhà hàng Yoshizawa ở quận Ginza, thủ đô Tokyo ngày 16-3.

Các cuộc tập trận liên tiếp giữa Mỹ và Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản rồi việc Triều Tiên liên tiếp thử các loại tên lửa đã khiến bầu không khí chính trị ở Đông Bắc Á vốn ngột ngạt bao năm qua trở nên nóng như một lò lửa chiến tranh sắp bùng cháy. Thế nhưng, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc - Yoon Suk-yeol tới Tokyo ngày 16-3 đã mang đến một làn gió mát, tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sau 12 năm trắc trở.

Hình ảnh vợ chồng Thủ tướng Nhật Bản cùng vợ chồng Tổng thống Hàn Quốc cùng thưởng thức bữa tối tại nhà hàng lẩu Nhật Yoshizawa, thưởng thức rượu sake trong bầu không khí thân mật, ấm cúng sau Hội nghị thượng đỉnh và cuộc họp báo chung của hai nhà lãnh đạo đã khiến dư luận lạc quan khi những mối bất hòa do lịch sử để lại giữa các quốc gia có thể được giải quyết nếu cả hai bên đều có thiện chí.

Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua liên quan tới vấn đề lao động cưỡng bức và phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sĩ phát xít Nhật (1910-1945). Năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu hai Công ty của Nhật Bản là Nippon Steel Corp. và Mitsubishi Heavy Industries Ltd. phải bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn Hàn Quốc. Các công ty này đã không tuân thủ phán quyết, cho rằng vấn đề đã được giải quyết vào năm 1965 theo một hiệp định song phương được ký kết cùng với một hiệp ước thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật- Hàn. Thế nhưng, vấn đề tưởng nhưng khó có thể tìm ra lời giải đã được xử lý êm thấm. Ngay trước thềm chuyến công du của Tổng thống Hàn Quốc tới Nhật Bản, Hàn Quốc đã đề xuất phương án bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến thông qua một quỹ do các công ty tư nhân đóng góp, thay vì chờ tiền chi trả trực tiếp của các công ty Nhật Bản có liên quan.

Thiện chí nối lại quan hệ cũng được hai nước thể hiện bằng những hành động nhanh chóng trong lĩnh vực kinh tế. Ngay trong sáng 16-3, Bộ Thương mại Hàn Quốc thông báo sẽ rút đơn kiện tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chống lại lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản. Quyết định trên được đưa ra sau khi Nhật Bản cùng ngày đồng ý bãi bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghiệp quan trọng sang Hàn Quốc. Theo Bộ Thương mại Hàn Quốc, các quan chức của Bộ đã tiến hành hội đàm với các đồng nghiệp của Nhật Bản về cách quản lý hoạt động xuất khẩu giữa hai nước. Dựa trên cuộc đối thoại chính sách này, phía Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hàn Quốc đã nhất trí rút lại đơn kiện lên WTO ngay khi Tokyo thực hiện việc dỡ bỏ các lệnh hạn chế xuất khẩu này.

Thực chất, việc tháng 7-2019, Nhật Bản áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao cần thiết đối với sản xuất chip bán dẫn và màn hình của Hàn Quốc và loại Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" các nước được ưu đãi giảm đến mức tối thiểu các hạn chế thương mại diễn ra sau phán quyết của Tòa án Hàn Quốc buộc một số công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến. Dù rằng Tokyo viện dẫn lý do an ninh quốc gia để đưa ra lệnh hạn chế trên nhưng Seoul cho rằng đó là hành động trả đũa sau quyết định của Tòa án Hàn Quốc.

Nhìn vào động thái của Nhật Bản và Hàn Quốc có thể thấy thiện chí đóng vai trò quyết định trong hàn gắn quan hệ song phương. Các quốc gia đều hiểu rằng lịch sử là điều không thể thay đổi và để giải quyết vấn đề lịch sử giữa hai quốc gia thì cần phải có thiện chí từ cả hai phía. Có thể, sức ép an ninh cùng các lợi ích kinh tế thôi thúc Nhật Bản và Hàn Quốc hàn gắn quan hệ, nhưng thiện chí vẫn là chất xúc tác quan trọng trong nỗ lực này.

Chuyến thăm Tokyo ngày 16-3 của ông Yoon Suk-yeol gặt hái được nhiều thành công. Ông cho biết đã nhất trí thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản - Kishida Fumio cam kết cải thiện các mối quan hệ giữa hai nước, hoan nghênh đề xuất của Seoul đối với việc giải quyết mâu thuẫn về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Ông Kishida khẳng định: Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng tăng cường các mối quan hệ song phương hiện là vấn đề cấp bách. Làn gió mới đã ùa về Đông Bắc Á.

Thanh Huyền