Đã hơn 10 năm nay, kể từ năm 2011, khu rừng đầu nguồn hơn 1.000ha thuộc xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang được UBND tỉnh Bắc Giang giao cho Công ty Trường Lộc quản lý thì tình trạng phá rừng ở đây liên tục xảy ra, ngày càng phức tạp, liều lĩnh hơn.

Nhìn những cây gỗ có tuổi đời hơn 30 năm bị “bức tử” bằng những biện pháp rất thủ công, như bóc vỏ, cưa, đốt gốc… mới thấy dường như khu rừng này không có người trông coi! Tiếc cây một, nhưng lo cho cuộc sống của hàng nghìn người xã Canh Nậu thì nhiều - mai đây sẽ ra sao, khi mà khu rừng trở thành đồi trọc?

Sự việc “hai năm rõ mười” như thế mà cứ bên Công ty thì nói dân phá, còn dân thì bảo Công ty! Nhưng có một thực tế là Công ty Trường Lộc không đủ lực lượng trông coi, bảo vệ, trong khi nhân dân địa phương lại không đồng thuận để Công ty quản lý rừng.

Còn nhớ trước năm 2011, rừng được giao cho UBND xã quản lý, xã phân công lực lượng bảo vệ chỉ có mấy CCB phối hợp với Công an trông coi mà tuyệt nhiên không có tình trạng phá rừng; chưa bao giờ có lâm tặc…

Trong cuộc họp gần đây với UBND huyện, Công ty Trường Lộc cũng cho rằng “Chính dân chặt phá rừng để ngầm phản đối Công ty quản lý” - ông Nguyễn Hồng Quảng - Giám đốc Dự án rừng Yên Thế của Công ty Trường Lộc nói. Thậm chí ông Quảng còn cung cấp cho Công an những hộ dân chủ mưu phá rừng, nhưng Công an huyện Yên Thế thì cho rằng, vẫn không khởi tố vụ án được vì không đủ chứng cứ…

Còn ông Nguyễn Bá Kiên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện thì nói đại ý: Việc chặt hạ gỗ rừng tự nhiên, trong một thời gian ngắn, với số lượng lớn như vậy nhằm mục đích duy nhất cho rằng Công ty không đủ năng lực quản lý, bảo vệ để kiến nghị Nhà nước giao lại đất rừng cho người dân quản lý, bảo vệ.

Kể ra Trường Lộc cũng khó thật. Chả thế mà thành ngữ có câu “Nước xa không cứu được lửa gần”!

Hoặc là giải thích cho dân hiểu, dân thông suốt, hoặc là giao lại rừng cho dân quản lý - chỉ có như thế cánh rừng đầu nguồn này mới có thể được bảo vệ như xưa.

Huy Thiêm