CCB xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa ươm giống cây tròng làm đẹp cảnh quan trong xã.

Đến hết tháng 11-2023, tỉnh Thanh Hóa có 12/27 huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM); có 360 xã đạt chuẩn NTM, 89 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đóng góp vào thành tích chung của tỉnh, có công sức, trí tuệ, trách nhiệm của gần 210.000 cán bộ, hội viên CCB trong tỉnh. Bên cạnh việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng NTM, Hội CCB tích cực vận động, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, có sức lan tỏa trong cộng đồng, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, biểu dương, khen thưởng.

Nổi bật là mô hình “Câu lạc bộ CCB giúp nhau phát triển kinh tế” được tổ chức ở cấp xã. Khởi xướng từ năm 2013 tại Hội CCB xã Xuân Khánh, huyện Thọ Xuân, đã được Hội CCB tỉnh chỉ đạo nhân rộng. Hiện nay, toàn tỉnh có 268 CLB, với 3.797 hội viên tham gia. CLB tập hợp số hội viên CCB, CQN là chủ các doanh nghiệp, HTX, trang trại, gia trại… trên địa bàn để giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế; từng bước hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; đấu tranh, ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong trồng trọt, bảo quản, chế biến, tiêu thụ; hướng tới xây dựng làng nghề, HTX, sản phẩm OCOP; trực tiếp giúp đỡ hội viên CCB trong xã thoát nghèo bền vững; ủng hộ tiền, ngày công xây dựng các công trình tại địa phương. Hiện đã có 17 sản phẩm của hội viên CCB thuộc 9 huyện được công nhận sản phẩm OCOP.

Tiếp đó là mô hình “Câu lạc bộ CCB bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm”, được triển khai từ năm 2018, trong cuộc vận động “CCB chung sức xây dựng NTM”.Đến nay đã có 220 CLBở cấp xã với 2.227 hội viên tham gia. Nhiệm vụ của CLB là tuyên truyền, vận động CCB và nhân dân giữ “Sạch nhà, sạch vườn, sạch ngõ” vàkhu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nơi sinh hoạt công cộng; đưa rác thải sinh hoạt về nơi tập trung theoquy định; phát hiện tố giác, ngăn chặn các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tư vấn pháp luật, hỗ trợ hội viên CCB thành lập các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp làm vệ sinh môi trường; tổ chứccác “Tổ vệ sinh môi trường” ở thôn, khu phố, do chi Hội CCB làm nòng cốt.  

Mô hình “CCB bảo vệ môi trường ngoài đồng ruộng” do Hội CCB xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân khởi xướng từ năm 2012, được Hội CCB tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND huyện tổ chức rút kinh nghiệm. Đến nay, mô hình được nhân rộng ở khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Riêng Hội CCB đã tổ chức vận động đóng góp hơn 500 triệu đồng, thi công, lắp đặt được hơn 2.000 thùng chứa rác thải ngoài đồng ruộng. Thùng chứa rác được xây bằng gạch hoặc đúc ống bê tông (thể tích khoảng 1m3/thùng), có đáy và nắp đậy, đặt tại các vị trí do UBND xã xác định ngoài đồng ruộng. Hội CCB vận động hội viên và nhân dân thu nhặt bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật bỏ vào thùng,định kỳ tổ chức thu gom, vận chuyển về nơi quy định để doanh nghiệp chuyên ngành xử lý.

Mô hình “Làm nhà nghĩa tình CCB từ quỹ đóng góp của hội viên” đãgóp phần cùng địa phương khắc phục tình trạng thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở trong tiêu chí xây dựng NTM. Từ năm 2019, BCH Hội CCB tỉnh đã quyết nghị, xây dựng quy chế và triển khai phong trào xóa nhà dột nát từ quỹ đóng góp của hội viên. Theo đó, bên cạnh việc kêu gọi các nguồn lực xã hội, Hội đã vận động mỗi hội viên tiết kiệm 2.000 đồng/tháng (24.000 đồng/năm) để làm nhà cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở. Liên tục trong 6 năm (2019-2023), Hội CCB tỉnh đã hỗ trợ làm được 866 nhà (làm mới 620 nhà, sửa chữa 246 nhà), với tổng số tiền 32,9 tỷ đồng. Trong đó có 26,6 tỷ đồng do hội viên đóng góp. Qua rà soát theo hướng dẫn của T.ƯHội CCB Việt Nam, toàn tỉnh hiện còn 667 nhà của CCB cần được hỗ trợ, giúp đỡ làm mới.

Cùng với các mô hình tiêu biểu trên, Hội CCB tỉnh Thanh Hóatiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình “CCB hiến đất làm đường giao thông, công trình phúc lợi”; “Đoạn đường CCB tự quản” về ATGT, ANTT, vệ sinh môi trường; lắp đặt hệ thống chiếu sáng, camera an ninh..., “Hàng cây CCB”, “Xây dựng cột cờ, tủ sách pháp luật Nhà văn hóa thôn, phố”… Qua đó, góp phần tích cực cùng địa phương hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Trong quá trình tổ chức hoạt động, Hội luôn chú trọng phát huy vai trò của doanh nhân CCB. Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa được thành lập từ năm 2008, hiện có 485 hội viên. Mấy năm qua, vượt qua ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và biến động phức tạp của tình hình thế giới, các doanh nhân CCB tích cựcđộng viên, giúp đỡ nhau phát triển SXKD, nâng cao đời sống người lao động và tham gia các hoạt động tình nghĩa, từ thiện, nhân đạo. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong Hiệp hội (năm 2018-2023) ước đạt gần 79.000 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 816 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 42.600 lao động; ủng hộ hơn 60 tỷ đồng cho xây dựng NTM và công tác an sinh xã hội ở địa phương. Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.

 Phạm Văn Thân