Nhiều chủ vườn tại ĐBSCL đang lo lắng đầu ra khi thanh long sắp đến thu hoạch.

Theo Bộ NNPTNT, việc Trung Quốc vẫn đóng nhiều cửa khẩu để duy trì chính sách “zero Covid”, nên xuất khẩu rau quả của nước ta tiếp tục gặp không ít khó khăn; trong bối cảnh hàng triệu tấn nông sản sắp đến thu hoạch cần sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành liên quan để giải bài toán khó về đầu ra cho nông sản hiện nay.

Nông sản đồng loạt rớt giá

Theo Bộ NNPTNT, trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 1,17 tỷ USD (giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh khi chỉ đạt 455,4 triệu USD (giảm 25,3%). Trong bối cảnh đầu ra tiêu thụ gặp khó, giá một số loại nông sản đang giảm mạnh. Điển hình như giá mít ở vùng ĐBSCL giảm hơn một nửa, hiện chỉ còn khoảng 6.000 đồng/kg với loại 1 và khoảng 4.000 đồng/kg với loại 2. Giá xoài Đài Loan trước đây từ 20.000 đồng/kg trở lên, nay thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, giá thanh long hiện cũng chỉ 8.000-9.000 đồng/kg. Tại tỉnh Tiền Giang, sản lượng trái cây sắp đến thu hoạch khoảng 992.000 tấn, chiếm 60% sản lượng cả nước. Tuy nhiên, việc bí đầu ra khiến giá không ít loạt nông sản đang giảm, như sầu riêng ở tỉnh này đầu vụ bán ra đạt mức khá cao 80.000-90.000 đồng/kg nhưng sau đó giảm xuống dần, hiện ở mức 40.000-50.000 đồng/kg. Còn tại Đồng Nai, xuất khẩu chuối đang gặp khó khi giá chỉ có 5.000 đồng/kg (giảm hơn 50%).

Không riêng mặt hàng trái cây tươi, nhiều loại nông sản khác của Việt Nam cũng đồng loạt giảm giá vì thị trường xuất khẩu gặp khó. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa xin giảm chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 3,8 tỷ USD xuống còn 3,2 tỷ USD trong năm 2022 để phù hợp với tình hình thực tế. Nguyên nhân là từ cuối năm 2021 đến nay, giá nhân điều xuất khẩu liên tục giảm và dự báo thời gian tới, tình hình xuất khẩu mặt hàng này vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Dự báo, nhiều mặt hàng khác như hạt tiêu, cà phê… cũng sẽ gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

Dự báo tình hình xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Lâm - đại diện Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice, trụ sở tại tỉnh Bình Dương cho biết: bắt đầu từ tháng 3, xuất khẩu tiêu và nhiều mặt hàng nông sản khác như cà phê, điều đang bị chững lại. Dự báo xuất khẩu tiêu trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn do sức tiêu thụ trên thị trường vẫn chậm do ảnh hưởng bởi hiệu ứng hậu Covid-19.

Mặt khác, giá xăng dầu tăng cao là yếu tố lớn gây ra tình trạng lạm phát về kinh tế. Đây là nguyên nhân mà nhiều nước trên thế giới có xu hướng giảm nhập khẩu các mặt hàng tiêu, cà phê… Vì cả doanh nghiệp thương mại và chế biến đều có xu hướng đồng loạt đẩy hàng thay vì tranh thủ trữ hàng như mọi năm.

Cần sớm có biện pháp kịp thời

Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp các đơn vị liên quan, doanh nghiệp sớm tổ chức hội nghị xúc tiến trái cây trước mùa vụ mới. Đồng thời, triển khai ngay các kế hoạch phối hợp địa phương, đặc biệt là những vùng nguyên liệu lớn để hướng dẫn những nội dung mới trong quy định xuất khẩu tại một số thị trường trọng điểm. Các đơn vị, địa phương cần lên sẵn kịch bản cho một số nông sản sắp vào mùa vụ như chuối, mít, lúa gạo xuất khẩu để có kế hoạch tiêu thụ phù hợp.

Bộ NNPTNT cũng vừa họp khẩn với các địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhận định: Đây là giai đoạn mà cả ngành Nông nghiệp lẫn các Bộ, ban, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt để xây dựng một chương trình tiêu thụ nông sản bài bản. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Với thực trạng sản xuất hiện nay, tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu cũng sẽ ùn ứ tại vùng nguyên liệu. Để khắc phục tình trạng này, cần nhìn vấn đề rộng ra dưới góc nhìn cung cầu, tư duy sản xuất và tư duy thị trường.

Ở đây cần tổ chức lại sản xuất để khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; tổ chức lại ngành hàng đưa vào quỹ đạo thông qua hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp; việc thực hành liên minh giúp kiến giải, định hướng những chiến lược chứ không thể tư duy mùa vụ nữa. Các Bộ, ngành đang phối hợp để tạo ra những giải pháp đồng bộ, phân kỳ, phân cấp và có trách nhiệm rõ ràng để khắc phục căn cơ, tận gốc rễ tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu, tránh lặp lại tình trạng một thời gian nữa nông sản bán chạy, chúng ta lại quên luôn những tháng ngày ùn tắc gây thiệt hại vô cùng to lớn vừa qua.

Để giải quyết bài toàn về hàng nông sản, Bộ Công thương đang nỗ lực họp bàn, phối hợp với phía Trung Quốc bàn các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Bộ Công thương và Bộ NNPTNT phối hợp tổ chức trao đổi, hướng dẫn thông tin và tập huấn cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất nông sản thực phẩm để chính các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hướng dẫn về cách làm, tiêu chuẩn, tập quán tiêu dùng của địa phương.

Võ Hóa