Lê Thánh Tông có một tôi hiền và trung quân – đó là ông Đỗ Nhuận, thi đậu “Đệ tam giáp đồng tiến sĩ”, làm quan đến chức Thượng thư Đông các Đại học sĩ. Sử sách còn ghi cuộc đối thoại về việc nước thẳng thắn, cởi mở giữa vua Lê Thánh Tông và quan Đỗ Nhuận như sau:

Nhà Vua hỏi:

  • Muốn giỏi trị nước thì phải làm gì?

  • Tâu bệ hạ! Người trị nước giỏi phải là người biết làm cho dân giàu, nước mạnh. Muốn được như vậy phải tập hợp quanh mình những bậc trung thần, yêu dân, cương trực, ngay thẳng. Mặt khác, phải tự mình luôn tu tâm, tích đức, làm gương sáng giáo hoá cho muôn dân. Như vậy mới thu được lòng tin của nhân dân. Một khi vua với dân kết thành một khối, cùng mưu nghiệp lớn thì dân giàu nước mạnh.

Về an ninh quốc gia và sự an dân, vua hỏi:

  • Muốn nước nhà cực thịnh, chủ quyền đất nước vững bền, nhân dân sống bình an, no ấm thì trước hết phải làm gì?

  • Bẩm! Từ xưa, các bậc vua sáng thường không chỉ lo chuyện dân không giàu mà trước hết lo chuyện nước không yên, lo nhất là trong dân mất dần lễ nghĩa.

  • Vậy, tuy nước yên mà dân nghèo thì sung sướng nỗi gì? vả lại, đâu phải là dân giàu mà nước không được yên?

  • Bẩm, giàu mà không yên thì dù lúa má đầy đồng, của cải đầy kho cũng không thể thụ hưởng những gì mình làm được.

Nhà Vua liền xoáy sâu vào câu hỏi “An dân trị quốc”.

  • Thế thì muốn cho nước yên ta phải làm gì?

  • Bẩm! Trước hết phải lo cho dân yên. Lo cho dân cốt nhất cần mở mang dân trí, giáo hoá muôn dân, dạy lễ nghĩa, giữ gìn đạo lý truyền thống ngàn đời của cha ông. Bao giờ từ quan đến dân biết trọng tư cách làm người hơn tư cách làm giàu, biết kiềm chế lòng dục, sống cần kiệm nhân ái thì ngày ấy kỷ cương phép nước vững bền.

  • Khanh từng nói về “Giáo hoá”, coi trọng liêm sỉ. Nhưng sỉ và liêm chữ nào quan tâm trước?

  • Bẩm! Theo thần thiển nghĩ: Trước hết phải quan tâm đến Sỉ. Người không biết sỉ thì không biết tự trọng, làm những việc vô nhân bạc nghĩa, dẫn đến vô liêm rồi phạm pháp luật. Trong chữ Liêm, cần nhớ theo lời Khổng Tử là Liêm cần kiệm, liêm năng, liêm chính, liêm biện...

Trong nước càng có nhiều người coi thường liêm sỉ thì càng không yên.

Cuộc đối thoại giữa vua sáng, tôi hiền mãi mãi còn là bài học lớn cho các thời đại. Vua tài giỏi luôn lắng nghe người trung. Bề tôi hiền tài bày tỏ hết lòng tri thức và chính kiến với bề trên. Để dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì không thể áp đặt, không thể quan liêu.

Tri thức sâu rộng lại có tâm sáng là thứ văn hoá trị quốc an dân vậy.

Vũ Thi (St)