Trương Nguyên Tuệ
Đầu tháng 4-1975, Sư đoàn 5 bộ binh đang chuẩn bị đánh chiếm tỉnh lỵ Kiến Tường thì được lệnh khẩn trương chuyển xuống lộ 4, cắt đứt hoàn toàn đoạn từ Bến Lức đến Tân An. Nhiệm vụ này nằm trong kế hoạch chung của cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Với bộ binh việc cấp tốc hành quân tương đối nhẹ nhàng. Nhưng với Tiểu đoàn 10 pháo binh khó khăn nổi lên là việc cơ động hai khẩu pháo 105 ly của Đại đội 12, mỗi khẩu nặng 1 tấn. Mệnh lệnh của sư đoàn, tiếp theo là kế hoạch của trung đoàn như sau: Pháo được tháo rời ra từng bộ phận cho xuống xuồng đi dọc kênh. Từ Ba Thu theo kinh Bo Bo, qua kinh xảng Xẻo Rô ra sông Vàm Cỏ Tây, rồi từ đó xuôi dòng từ Thủ Thừa. Tại bến xuất phát, 2 xuồng lớn và 10 xuồng ba lá đã chờ sẵn. Đêm 21-4 xuất phát, đêm 24-4 phải đến vị trí tập kết.
Đành rằng đây là cuộc hành quân quan trọng, nhưng cũng là cuộc hành quân đặc biệt vì trước kia pháo có xe kéo, nay xuồng lại “cõng” pháo trên lưng! Hì hà hì hục khuân vác, mãi đến 24 giờ đoàn xuồng mới có thể rời bến. Số xuồng giờ đã tăng lên 15 chiếc, do công binh cung cấp thêm.
Không thể không gặp sự cố xảy ra. Đi một đoạn bỗng mắc cạn. Anh em phải xuống bớt và dùng sức người đẩy xuồng đi. Rồi do chở nặng, hai xuồng bị chìm. Trời lại sáng rồi.
Điện của Sư đoàn chỉ thị phải phân tán giấu quân để tối đi tiếp, đồng thời cố gắng mượn hoặc thuê thêm xuồng để giảm tải. Nhưng việc mượn hoặc thuê thêm xuồng đâu phải giản đơn, vì đây là vùng sâu, nếu sơ ý để lộ bí mật sẽ dễ dàng chuốc lấy tai hoạ!
Bỗng trong ánh sáng nhờ nhờ của buổi sớm tinh sương, hai bóng người đang tiến tới. Đi đầu là Nghĩa, trợ lý dân vận của Trung đoàn, còn người đi sau là một cô gái. Cô bao nhiêu tuổi không biết, nhưng khuôn mặt rất xinh, đôi mắt long lanh, môi mỏng, nụ cười vừa tươi tắn vừa đôn hậu. Nghĩa giới thiệu với tiểu đoàn trưởng Điều và Chính trị viên Nhiên:

  • Đây là cô Sáu, cán bộ Huyện ủy Thủ Thừa đến giúp đỡ chúng ta.
  • Cô đến đúng lúc đơn vị đang rất cần, quý hóa quá. Chính trị viên Nhiên đáp.
  • Em dẫn đường cho Trung đoàn 3 xuống cắt lộ 4, nhưng anh Tám Luông - Trung đoàn trưởng nói em sang đơn vị pháo binh đang khó khăn, có phải là…
  • Đúng đấy, Tiểu đoàn 10 pháo binh chúng tôi chi viện hoả lực cho Trung đoàn 3 mà. Xuồng chở pháo đạn bị mắc cạn, nên đi chậm.
  • Huyện uỷ cũng đã có chỉ thị phải hết sức giữ kín mọi hoạt động của ta vì gần đây địch tung gián điệp trà trộn trong dân nhiều lắm. Nhưng em sẽ tìm người tốt, mượn đủ số xuồng các anh cần.
    Được lời như cởi tấm lòng, anh em thở phào nhẹ nhõm. Cô Sáu ra đi, ý chừng biết bộ đội đang sốt ruột nên bước chân thoăn thoắt. Khoảng mặt trời đứng bóng, cô trở lại với hai chiếc xuồng to, khẽ khàng nói:
  • Nếu đơn vị cần thêm, em sẽ đi mượn tiếp.
    Còn già Tư, một trong hai chủ xuồng, hồ hởi:
  • Có xuồng lại có cả cá đây, cho tụi bây hết. Kỳ này đánh tới tới nghe!
    Nhờ có mấy chiếc xuồng to, đơn vị có thể cho xuồng nhỏ quay ngược về Ba Thu chở thêm đạn. Đúng là quý hóa quá.
    3 giờ 30 phút ngày 27-4-1975, Sư đoàn 5 bắt đầu nổ súng tiến công. Các loại pháo ĐKB, H12, A12 và cối bắn chi viện cho bộ binh ta, kiềm chế pháo binh địch ở thị xã Tân An, sân bay Cầm Đốt, Cầu Voi. Nhưng hai chú voi 105 ly vẫn phải im hơi lặng tiếng. Dù biết pháo của mình là “át chủ bài”, một số pháo thủ trẻ vẫn cứ nhấp nhổm.
    Mãi đến sáng ngày 28-4, khi Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 đánh địch ở nam Bến Lức và bắc thị xã, pháo 105 ly mới được lệnh bắn chặn ở đầu cầu không cho địch chạy về thị xã. Pháo lớn đã gây bất ngờ lớn và tổn thất cho địch. Và từ lúc này pháo lớn được phát huy cao độ uy lực trong trận đánh dứt điểm, bắn mãnh liệt vào các ổ đề kháng của địch trong thị xã. Đúng 12 giờ, quân ta giải phóng thị xã Tân An, tỉnh lỵ tỉnh Long An.
    Điện khen của Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh được phổ biến đến từng chiến sĩ: “Lần đầu tiên trong lịch sử, trọng pháo của ta đã về đến đồng bằng… Riêng pháo binh của Sư đoàn 5 lãnh trọng trách chi viện cắt lộ 4 là một hướng tác chiến lợi hại của chiến dịch”. Chính trị viên Nhiên nói thêm một câu đầy ý nghĩa: “Chiến tranh nhân dân là vậy đó, nhân dân Việt Nam anh hùng là vậy đó!”.
    Không lâu sau, đơn vị đã tìm gặp được cô Sáu, cán bộ Huyện uỷ Thủ Thừa, người đã góp công vào chiến thắng chung. Đó là chị Trần Thị Sửa. Chiến tranh từng gieo cho chị nhiều nỗi bất hạnh. Ba hi sinh, má bị giam cầm, chồng cũng hi sinh chỉ sau ngày cưới một tuần. Bản thân chị từng bị địch treo giải thưởng cho ai bắt được giao cho chúng. Vượt qua đau thương, chị cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cách mạng…
    Những năm tiếp theo, chị là Bí thư Huyện uỷ Thủ Thừa, ĐBQH, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Long An cho đến lúc nghỉ hưu. Dù làm gì, ở đâu, chị Trần Thị Sửa vẫn là đồng đội thân thương của Sư đoàn 5, của Tiểu đoàn 10 pháo binh.
    Trương Nguyên Tuệ
    (số 101/16 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận,
    TP Hồ Chí Minh)