Chiếc xe ôtô bon bon trên con đường nhựa rộng 8m, từ thị trấn Tiên Yên lên huyện biên giới Bình Liêu. Đi được khoảng 20 km, xe ngoặt vào con đường bê tông mới mở, rộng 2,5m, vắt vẻo trên sườn núi, vực sâu thăm thẳm.

Những ngày cuối đông, rét hại, làn sương mù bảng lảng lúc ẩn, lúc hiện, xe phải bật hết đèn mà vẫn phải bò từng đoạn. Lên đến đỉnh đèo, thì đột nhiên trời hửng nắng, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ mở ra trước mắt chúng tôi. Một màu xanh hút mắt từ đỉnh núi, xuống thung sâu, ẩn hiện những thửa ruộng bậc thang, quấn quít quanh những sườn đồi. Điểm xuyết vào màu xanh của rừng quế, rừng thông đang khép tán, là những mái nhà mới dựng, đỏ tươi màu ngói, như những đoá hoa tô đẹp bản làng. Anh cán bộ CCB huyện, người dẫn đường, giới thiệu: những năm trước, xã Đại Thành chỉ là vùng đất trống, đồi trọc. Toàn xã có 210 hộ, gồm 2.000 người dân tộc Dao, Sán Chỉ. Khi mới tách ra khỏi xã Đại Dực, Đại Thành có tới 83% hộ đói nghèo, còn lại là hộ đủ ăn, không có hộ giàu. Xã chỉ có 1 trường PTCS, cách các thôn bản 3 - 4km. Điện, đường, trạm y tế còn là vùng trắng. Được sự quan tâm của Nhà nước, đến nay, xã đã có trạm y tế, có đường bê tông đến nhiều thôn bản, 3/5 thôn đã có điện lưới. Mới sau ít năm, xã đã xoá được hộ đói, chỉ còn 40% hộ nghèo, nhiều hộ khá, giàu đã xuất hiện. Nguyên nhân sự thay đổi đó, phải kể đến vai trò nòng cốt của CCB. Khi Hội CCB xã mới thành lập, có 29 hội viên, sau ít năm, đã được bà con trong xã suy tôn là những “Dũng sĩ xoá đói nghèo”. Người tiêu biểu nhất là Chủ tịch Hội CCB Trần Văn Sẹc, 65 tuổi, nguyên là cán bộ của Tiểu đoàn 17. Ông thường động viên bà con dân tộc các thôn, bản: “Nhà nước đã cho ta ánh sáng, cho ta trạm xá, đường, trường học. Muốn thoát nghèo, trở thành giàu có, ta phải tự hỏi đôi bàn tay mình”. Bà con trong xã, đều nghe và làm theo cách của ông, lên xã Đại Thành, mới có bước nhảy vọt như ngày hôm nay.

Tay bắt mặt mừng đón chúng tôi, ông là Trần Văn Sẹc, Chủ tịch Hội CCB xã Đại Thành cởi mở tâm sự: Khi mới tách xã, đời sống kinh tế của người dân xã Đại Thành còn khó khăn lắm. Làm ruộng tất bật cả năm, chỉ đủ gạo ăn 6 tháng. Còn 6 tháng dân bản phải đi săn bắn, làm thuê mới có cái ăn. Làm gì để giúp dân thoát đói nghèo? Đó là điều trăn trở của cấp uỷ, chính quyền và Hội CCB xã. Nhìn lên đồi núi chỉ toàn giàng giàng, sim mua. Ông đã bỏ công đi nhiều nơi, để tìm hiểu thấy các địa phương có cùng thổ nhưỡng, người dân trồng quế, thông mã vĩ, măng bát độ rất tốt. Ông bỏ tiền tiết kiệm mua giống quế, thông và tre về trồng thí điểm. Sau 2 năm, rừng cây của ông lên xanh tốt, riêng tre, đã cho thu hoạch hàng tạ măng lưỡi lợn. Ông vui mừng thông báo cho anh em CCB và bà con dân bản cùng làm. Nhưng mọi người còn băn khoăn vì không có cây giống, nhiều người lại sợ bị kẻ xấu ăn trộm. Hội CCB xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho các gia đình CCB gương mẫu đi đầu, nhận trồng 2ha trở lên, Hội còn liên hệ với các cơ quan chức năng, xin được giúp đỡ kỹ thuật, sản xuất giống tại xã, để cung cấp cho người trồng rừng. Khi rừng bén rễ, Hội động viên mọi người cùng CCB tuần tra canh gác, bảo vệ không để kẻ xấu ăn cắp, phá hoại nên mọi người đều phấn khởi làm theo. Sau một thời gian ngắn, 100% hội viên đều có vườn rừng, nhiều gia đình đã trồng được từ 5 đến 50ha rừng.

Kinh tế vườn rừng có hiệu quả cao, đã góp phần xoá được đói nghèo, cho bà con các dân tộc trong xã, có cuộc sống no đủ. Nhưng làm cách nào để hội viên có mức sống khá và trở thành giàu có? Ông Trần Văn Sẹc lại bỏ thời gian “tầm sư, học đạo”. Sau nhiều ngày lang thang tìm hiểu, ông “phải lòng” với cây dong riềng - nguyên liệu sản xuất miến dong ở huyện Bình Liêu. Ông đã cùng chính quyền xã xây dựng mô hình trồng dong riềng, sản xuất miến dong. Với vai trò Hội CCB là nòng cốt, đã giao cho mỗi hội viên trồng 500m2 dong riềng trở lên và coi đó là chỉ tiêu bình xét CCB gương mẫu hàng năm. CCB trồng thành công, có trách nhiệm vận động mọi người dân cùng làm. Khi đã có vùng nguyên liệu, ông đứng ra vay vốn và xin huyện hỗ trợ 30 triệu đồng mua sắm máy móc, thành lập tổ sản xuất miến. Năm đầu tiên, từ những mảnh vườn khai hoang, xen canh, toàn xã đã thu hoạch trên 5 tấn củ, chế biến được 7 tạ miến chất lượng tốt, đem lại nguồn thu trên 35 triệu đồng. Năm 2009, 2010 mỗi năm, xã thu hoạch trên 100 tấn dong, sản xuất được trên 15 tấn miến, đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Từ miến, nhiều hộ đã xoá được nghèo, trở thành giàu có, xây được nhà tầng, biệt thự...

Ông Trần Văn Sẹc dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình CCB làm kinh tế giỏi, hình như nhà nào cũng vừa mới cất, mái ngói đỏ tươi. Điều đặc biệt nhất, nhà nào cũng có những vườn dong giềng xanh mướt. Trong giá rét, những chùm hoa dong giềng đỏ tươi đung đưa trước gió, chào mùa xuân mới đang về. Thêm một năm nữa, Đại Thành lại đón mùa xuân đến sớm.

Bài và ảnh: Việt Hùng