Những năm qua, vấn nạn phân bón giả luôn là nỗi đau đầu cho các cơ quan chức năng, đặc biệt là cho bà con nông dân. Bón phân giả “tiền mất, tật mang” hư hỏng cả một trà lúa, hoa màu, cây công nghiệp, bao nhiêu công sức lao động trôi ra sông ra biển. Vậy nên, xử lý triệt để vấn nạn phân bón giả đang được các cấp, các ngành chức năng quan tâm.
Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, có gần 70% dân số sống bằng nghề nông với các loại nông sản chính là lúa gạo, cao su, cà phê, mía đường, chè, cây bông sợi, nhiều nông sản là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu, chè…; vậy nên sản xuất và sử dụng phân bón là một vấn đề lớn. Theo Bộ NNPTNT, nhu cầu sử dụng phân bón hóa học ở nước ta trong năm 2014 khoảng 11 triệu tấn; chủ yếu là các loại phân lân, ka li, SA, ure, DAP, NPK… Khoảng 500 cơ sở sản xuất phân bón ở các địa phương trong cả nước với những tên tuổi lớn như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Bình Điền… có sản lượng hơn 8 triệu tấn, đã đáp ứng được hơn 80% nhu cầu trong nước. Đến cuối năm 2014, khi mà quá trình mở rộng các nhà máy hoàn thành thì sản lượng phân bón sản xuất trong nước còn tăng hơn nhiều, góp phần to lớn vào thành tích của nông nghiệp nước ta.
Tuy nhiên, lẫn trong những cơ sở sản xuất phân bón có uy tín trong nước là nhiều cơ sở làm ăn dối trá, chụp giật, sản xuất và bán cho nông dân nhiều loại phân bón giả làm hư hại nền sản xuất cả nước và làm nhiều hộ nông dân “trắng tay”. Các cơ sở sản xuất buôn bán phân bón giả với bao bì, nhãn mác của các cơ sở làm ăn chân chính, uy tín cùng với nguyên liệu là đất đá tạp, cát, thậm chí là gạch vụn trộn ít phân bón thật là đã có thể “xuất xưởng” mỗi ngày hàng chục tấn đưa ra thị trường lòe bịp người nông dân. Hàng nghìn hộ nông dân tại các tỉnh ĐBSCL, khu vực Tây Nguyên đã điêu đứng khi mua phải các loại phân bón giả không những năng suất cây trồng không tăng mà làm thoái hóa dần thậm chí còn tạo môi trường cho sâu bệnh phát triển… Theo Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương), năm 2013, cơ quan này đã kiểm tra 4.689 vụ, phát hiện xử lý 1.483 vụ vi phạm (tăng 31% so với năm 2012), tịch thu 813.881 kg; 11.830 gói và 1.165 chai phân bón giả, kém chất lượng. Năm 2014, chỉ tính riêng trong quý I, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 88 vụ, tịch thu 88.842 kg, 153 chai các loại phân bón giả. Điều quan tâm nhất là tình trạng sản xuất, buôn bán phân bón giả xuất hiện chủ yếu tại khu vực ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước, trong đó các tỉnh Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang, An Giang, Sóc Trăng, chiếm 81% số vụ vi phạm. Nhiều quy định nghiêm cấm hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả được ban hành, nhiều hoạt động kiểm tra xử lý, tịch thu và phạt nặng đã được tiến hành tại nhiều địa phương, song do lợi nhuận của sản xuất, buôn bán phân bón giả quá cao nên các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón giả vẫn bất chấp và liên tục đưa ra các mặt hàng phân bón lừa bịp người nông dân này.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng tiếp tục hoành hành, gây thiệt hại cho người nông dân. Thứ nhất, sự lòng vòng của phân bón thật khi đưa ra khỏi nhà máy phải qua tay rất nhiều khâu trung gian, mỗi khâu nâng giá lên một lần nên khi phân thật đến tay người nông dân bị đắt lên nhiều. Lợi dụng quá trình này, các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón giả có cơ hội trà trộn vào. Thứ hai, rất nhiều cơ sở sản xuất phân bón thật không tiếp thị, quảng cáo, đưa hàng đến tận nơi cho người nông dân mà để cho các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón giả thực hiện quá trình này. Thứ ba, trình độ nhận thức của người nông dân có hạn, không nhận biết được hàng thật chỉ tin lời quảng cáo của các “cò”. Thứ tư, công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng không thường xuyên và chưa có tác dụng răn đe triệt để đến các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng.
Giải quyết triệt để các nguyên nhân này sẽ giải quyết được vấn nạn sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng đang hoành hành tại các địa phương, giúp bà con nông dân bảo vệ mùa màng, giúp cho ngành nông nghiệp nước ta phát triển vững chắc.
Quốc Huy