Đến nhà ông Phùng Văn Vân thôn Mễ Đậu, xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên được nghe ông kể những câu chuyện thật xúc động.
Ông Vân ngày trẻ còn có tên là Phùng Văn Mây. Cũng như bao chàng trai tuổi thanh niên sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, chàng thanh niên trẻ Phùng Văn Vân từ biệt quê hương, bà con anh em chòm xóm, người yêu lên đường nhập ngũ năm 1968 rồi tham gia chiến đấu chống Mỹ tại chiến trường Quảng Trị. Trải qua một số trận đánh ác liệt khiến ông bị nhiều vết thương trên cơ thể. Có đợt hành quân, ông và đồng đội phải hứng chịu những đợt chất độc da cam của Mỹ rải xuống. Thứ chất độc làm trơ trụi cả những cánh rừng. Trong trận chiến 1972 ở Quảng Trị, ông bị thương nặng và được chuyển về Trại Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) điểu trị và an dưỡng. Sau khi sức khỏe bình phục, ông được ra quân. Về nhà một thời gian, ông Vân tham gia công tác Đoàn ở thôn và kết hôn với bà Cao Thị Chuyên người cùng làng.
Đầu năm 1996, con trai cả của ông bà là anh Phùng Hoàng Anh vừa tròn 22 tuổi lập gia đình với chị Vũ Thị Hằng người cùng xóm. Cuối năm đó, anh chị sinh cháu Nghiêm. Cháu Nghiêm khi sinh ra hình dạng như bao đứa trẻ khác, theo quy luật của thời gian cháu cũng dần tập lẫy, tập bò, biết nói bập bẹ và biết lắng nghe những âm thanh của cuộc sống. Thế nhưng khi gần 2 tuổi cháu mới bắt đầu tập đi, dần dần cháu có những biểu hiện bất thường như nói không rõ, chậm hiểu, hành động vụng về. Cứ thế rồi 2 năm, 3 năm, 4 năm trôi qua cháu Nghiêm không theo kịp bạn bè cùng lứa tuổi. Và rồi, được gia đình hai bên nội ngoại quan tâm động viên anh chị đã đưa cháu đi khám các bệnh viện, kết quả là cháu Nghiêm đã bị nhiễm chất độc da cam di truyền từ đời ông nội của cháu. Tưởng có được niềm vui an ủi thì tiếp tục ông Vân và gia đình phải chấp nhận một sự thật đau buồn ở đứa cháu nội đầu.
Đến năm 2011, đang làm ăn buôn bán bình thường thì anh Phùng Hoàng Anh đột nhiên có những biểu hiện khác thường. Anh rơi vào trạng thái trầm cảm, mất ngủ dài ngày và sao nhãng công việc. Đi bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị ảnh hưởng thần kinh, co cứng cơ vùng cổ gáy và thoái hóa khớp cổ. Rồi cứ thế thời gian trôi qua cho đến hôm nay, anh Anh thì phải điều trị ở hết bệnh viện này bệnh viện khác và cháu Nghiêm đã 17 tuổi nhưng cứ khờ dại như đứa trẻ thơ. Sự vất vả bấy lâu đè lên đôi vai người con dâu và cũng là trách nhiệm nặng nề của cả gia đình. Khi kể đến đây, ông Vân rơm rớm nước mắt, bùi ngùi vì ông phải đối diện với những chuyện buồn của các con các cháu của mình. Nhiều khi trở trời vết thương của ông đau nhói nhưng đau đớn hơn đó là hình ảnh của những người con và đứa cháu nội vô tội, những nạn nhân thế hệ sau của cuộc chiến tranh, của chất độc da cam, cứ khiến ông day dứt.
Với ông Vân những vết thương của chiến tranh và nỗi đau da cam chưa bao giờ lành lặn.
Nguyên Thoa Lâm