Nữ dân quân Quảng Bình vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu.

Tháng 4-1970, tôi nhận nhiệm vụ dẫn một xe thông tin VTĐ-15W vào Cảng Gianh (Quảng Bình) phục vụ Cục Quân nhu Tổng cục Hậu cần nhận hàng từ Hà Nội gửi vào chiến trường theo đường biển. Qua phà Gianh vào đêm tối trời, chúng tôi dừng xe tại một khu dân cư thưa thớt; ngay sau đó được ba nữ dân quân đến dẫn đường tới xóm Cồn. Sau này hỏi tên mới biết ba nữ dân quân là o Chòa, o Mẹt, và o Đất.

Giấu xe vào một rặng phi lao, chúng tôi được dẫn vào một ngôi nhà 2 gian cấp 4 lợp ngói, để nghỉ qua đêm. Yêu cầu công việc rất khẩn trương, tôi cho anh em vận chuyển máy móc và quân tư trang, lương thực vào nhà. Một bà cụ thân gầy, nhỏ thó đi theo khuân vác hộ. Các nữ dân quân gọi mẹ là mạ Kính. Mẹ tuổi ngoài 60 mà vẫn đi thoăn thoắt. Miệng lúc nào cũng nở nụ cười thân thiện. Sau đó, mẹ Kính chỉ cho chúng tôi một cái hầm của gia đình để tránh bom địch. Tôi vào hầm, soi đèn pin thấy hầm rất chắc chắn. Hầm chữ A, được làm bằng thân cây phi lao to bằng bắp chân xếp vào nhau rất vững chãi. Tôi thưa với mẹ: “Mẹ cho chúng con mượn hầm ngay đêm nay nhé!”. Mẹ cười vui: “Các con muốn ở đến khi mô cũng được”.

Theo chỉ đạo của Thượng tá Nguyễn Thuần - Cục trưởng Cục Quân nhu, trong đêm hôm đó, tổ đài chúng tôi phải bắt liên lạc về ngay với Bộ Tham mưu Tổng cục Hậu cần ngoài Hà Nội. Muốn nối liên lạc thì phải căng ăng-ten. Chúng tôi lên khỏi hầm, quan sát thấy chỉ có một cây phi lao cao chừng 5m, thiếu một cây nữa để làm cột ăng-ten thứ hai. Khi tôi hỏi thăm xem ở đây nhà ai có tre to cao, mẹ Kính nhanh nhẹn dẫn chúng tôi đi theo đến một nhà khác. Sau khi mẹ Kính nói chuyện với chủ nhà, ông chủ nhà vội lấy con dao quắm chạy ra bụi tre nhà mình, chọn một cây cao to, thẳng đứng chặt hạ xuống. Chỉ trong vòng 20 phút cây tre đã được chúng tôi khiêng về dựng vào một gốc phi lao thấp hơn cây tre 2m để làm cột ăng-ten thứ hai.

12 giờ đêm, phiên liên lạc đầu tiên của đài chúng tôi thông suốt. Bức điện của Cục trưởng do một cơ yếu đi cùng tổ đài chuyến đến. Trong ngọn đèn phát ra từ chiếc máy Garônô, tôi mở máy, chỉnh sóng, lấy tần số.... Tín hiệu thông suốt, bức điện hơn trăm nhóm gửi về Hà Nội chỉ trong vòng 7 phút. Chúng tôi vừa dừng tay, tiếng mẹ Kính gọi từ trên nhà vọng xuống: “Các con uống nác mạ mới đun nè”.

Ngồi quây quần bên mẹ Kính, chúng tôi vừa uống nước, vừa nhấm nháp những củ khoai lang chỉ to hơn ngón tay. Đêm đã sang canh mà mẹ Kính vẫn thức cùng anh em chúng tôi. Vừa ăn khoai, cậu Ban Tích “bình tông” vừa hỏi: “Mẹ ơi! Sao lại luộc khoai giun cho bộ đội ăn thế này? Nhà hết khoai to rồi à? ”. Nghe thế, mẹ Kinh ngồi sụp xuống nói như mếu: “Các con ơi, khoai ở đây toàn nhỏ rứa thôi… các con thông cảm cho mạ”. Thấy cử chỉ của mẹ, tôi chạy lại đỡ mẹ đứng dậy và thưa: “Chúng con xin lỗi mẹ, đồng chí Ban Tích hay khôi hài mẹ ạ…”. Mẹ đứng dậy nói trong giọng nghẹn ngào: “Dân quê mạ đều làm cách mạng, vì thế thấy nói mạ không tốt, luộc khoai giun cho bộ đội, nên ân hận quá các con ạ!”.

Bài học nhớ đời của tôi và tổ đài đêm đầu ở xóm Cồn, đến hôm nay vẫn con day dứt trong tôi.

Xóm Cồn của mẹ Kính cách Cảng Gianh chừng 2km. Dân cư thưa thớt. Để tránh bom đạn máy bay Mỹ ném xuống hàng ngày, nhiều gia đình đã sơ tán vào thung, chỉ con rất ít người có tuổi và dân quân ở lại. Những ngày ở xóm Cồn, ban ngày tranh thủ lúc không có phiên liên lạc, mấy anh em tôi ra bãi biển đào bắt còng gió về nấu canh. Thời đó không thể hái ngọn khoai vì khoai sống trên cát rất xấu, nên chỉ hái lá thôi. Canh lá khoai mà nấu với còng ngon đáo để. Trong đó bà con không thích ăn cá nước ngọt, nên trong những hố bom, cá diếc, rô, thậm chí cả cá chép to hơn bàn tay rất sẵn, chúng tôi muốn ăn cá thì ra hố bom bắt.

Cuộc chiến đấu đang vào thời kỳ ác liệt. Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1970), chúng tôi vẫn cùng dân quân ra Cảng Gianh bốc dỡ hàng tàu - thuyền chuyển vào. Hôm đó máy bay Mỹ vẫn ập đến đánh phá. Cảng Gianh chìm trong khói bom, mấy chiếc thuyền giữa cảng bị đánh chìm. Trên thuyền có cô Xuân - nữ dân quân Thái Bình áp tải hàng vào, bị hy sinh. Hàng chục chiến sĩ và dân quân khác bị thương được nhanh chóng đưa đi cấp cứu ở bệnh xá.

Máy bay Mỹ đi rồi, mọi người lại ai vào việc nấy, chuyển hàng lên bờ nhanh gọn. Thời gian ngắn ngủi ở xóm Cồn và hình ảnh mẹ Kính, ông Vân, ông Tiệp, o Chòa, o Mẹt và o Đất… và bà con nơi đây bốc, chuyển hàng cùng bộ đội trong lửa đạn hôm ấy vẫn đọng mãi trong tôi đến tận bây giờ.  

Minh Nguyệt (nguyên Đài trưởng đài 15W, c1, d26, TCHC)