Kinh doanh đa ngành nghề
Là người con của đất Khánh Công, Yên Khánh, Ninh Bình, sau 5 năm công tác trong Quân đội, CCB Phạm Văn Phơn ra quân, công tác tại một công ty xăng dầu ở Thanh Hóa. Trong muôn vàn khó khăn của đất nước ở thập niên 80 thế kỷ trước, Công ty của ông cũng không tránh khỏi những lao đao. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, với quyết tâm “tự cứu mình trước khi trời cứu”, sau khi tìm hiểu qua bạn bè, đồng đội cũ, năm 1990 CCB Phạm Văn Phơn lại “thêm một lần liều” quyết định chuyển cả gia đình vào sinh cơ lập nghiệp ở Bình Dương.
Tự thân vận động, lo sinh nghiệp cho cả gia đình ở miền đất mới là cả núi lo - Pham Văn Phơn nhớ lại: “Những năm đầu vào Bình Dương, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn; từ ổn định sinh hoạt hằng ngày của gia đình, vốn liếng hạn hẹp, nghề nghiệp đang mày mò làm thử, lo cho con cái học hành…”. Nhưng ý chí và bản lĩnh người lính được trui rèn trong quân ngũ, đặc biệt là những tháng ngày trong đội hình Trung đoàn 525 vận tải thuộc Tổng cục Hậu cần vận chuyển vật chất hậu cần phục vụ bộ đội chiến đầu bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới phía Bắc năm 1979… đã giúp CCB Phạm Văn Phơn vượt qua mọi trở ngại.
Vào Bình Dương, với chút “vốn liếng” một thời làm lính xế, công việc đầu tiên của Phạm Văn Phơn là kinh doanh vận tải. Tiếp đó là làm đường, san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình tại các khu công nghiệp… Sau hơn một chục năm xoay xở lập nghiệp “đa ngành, đa nghề”, với chút vốn liếng và kinh nghiệm tích lũy được, năm 2002, ông thành lập Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng Quyền Phương, có trụ sở tại T.P Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Quá trình sản xuất kinh doanh, Công ty Quyền Phương gặp không ít khó khăn, đặc biệt năm 2008, trong suy thoái chung của hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước, Công ty của ông có thời điểm không có việc làm cho gần 100 công nhân, nhân viên. Nhưng “cái khó không bó cái khôn”, ông chủ Công ty Quyền Phương luôn tự nhủ phải phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ: “Thắng không kiêu, bại không nản”, phải tìm hiểu thực tế, thay đổi ngành nghề, phải làm những gì xã hội cần, chứ không làm cái mình có” - Phạm Văn Phơn khẳng định.
Cùng lúc ông quyết định thay đổi ngành nghề kinh doanh, thì Chính phủ có Nghị quyết 05 về phát triển nguyên liệu gạch không nung trong xây dựng, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chủ động đón bắt thời cơ, ông và Hội đồng Quản trị Công ty quyết định tổ chức nhà máy sản xuất gạch không nung ở Dĩ An, Bình Dương. Mặt khác, với quan điểm đa dạng hóa ngành nghề sản xuất kinh doanh, lấy lĩnh vực này hỗ trợ lĩnh vực khác, ông bỏ ra nhiều tỷ đồng mua 23.000m2 đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu để kinh doanh du lịch.
Sau hơn 10 năm hoạt động, cả 2 dự án mà ông đầu tư đều mang lại hiệu quả cao. Với dự án sản xuất gạch không nung, Công ty của ông vừa tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu xây dựng, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiêm môi trường. Sản phẩm gạch không nung của Công ty đảm bảo chất lượng, đạt Chuẩn hợp Quy - ISO 9001 của Bộ Xây dựng, được Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cấp phép đưa vào xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng.
Dự án kinh doanh dịch vụ du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng môi trường “du lịch xanh”, doanh thu ổn định, mặc dù hơn 1 năm qua hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid.
Sản xuất kinh doanh ổn định, Công ty Quyền Phương của Phạm Văn Phơn đã bảo đảm việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động, từ 10-15 triệu đồng/người /tháng. Người lao động được đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm.
Trách nhiệm với xã hội
Cũng như nhiều doanh nhân CCB khác, khi sản xuất kinh doanh đạt được kết quả, Phạm Văn Phơn luôn xác định trách nhiệm với địa phương, tổ chức Hội CCB và tích cực tham gia các hoạt động xã hội: “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đóng góp xây Nhà tình nghĩa, các Quỹ “Khuyến học”, “Phòng, chống Covid”…
Trên cương vị Ủy viên BCH Hội CCB phường, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bình Dương, từ năm 2016 - 2020, CCB Phạm Văn Phơn đã dành gần 800 triệu đồng cho các hoạt động xã hội và Hội CCB; trong đó, có 250 triệu đồng hỗ trợ người lao động ở Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid.
Với những thành tích đạt được trong sản xuất kinh doanh và hoạt động xã hội, doanh nhân CCB Phạm Văn Phơn đã được Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Hội CCB tỉnh, Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam và chính quyền địa phương tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen; nhiều năm được vinh danh là CCB sản xuất kinh doanh giỏi.
Được hỏi về điều đọng lại sâu sắc nhất trong quá trình xoay xở mưu sinh, “làm giàu” chính đáng của mình, Phạm Văn Phơn bộc bạch: “Thương trường như chiến trường. Trên trận tuyến chống đói nghèo, mình vẫn luôn là người lính Cụ Hồ; làm ăn có khi thành, khi bại, nhưng đã là người lính đừng bao giờ nản chí; cha ông mình từng dạy “Thất bại là mẹ thành công”; biết rút kinh nghiệm từ thất bại, chắc chắn chúng ta sẽ thành công…”.
Việt Hưng