Mỹ cam kết đưa xe tăng M1 Abrams tới Ukraine.

Vậy là sau khi Anh quyết định sẽ chuyển giao 14 xe tăng Challenger 2 của mình cho Ukraine, Mỹ và Đức, rồi có thể là Pháp sẽ chuyển giao các dòng xe tăng chủ lực của mình cho Kiev. Quá trình huấn luyện, chuyển giao xe tăng sẽ cần nhiều thời gian nhưng quyết định gửi các phương tiện chiến đấu chủ lực cho Kiev thể hiện sử ủng hộ chính trị của Mỹ và đồng minh với Kiev trong khi cố gắng duy trì một cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine và tránh đẩy xung đột lên cao.

Nói việc gửi xe tăng tới Ukraine, dù là phương tiện chiến đấu chủ lực, chỉ để thể hiện sự ủng hộ chính trị với Kiev quả không quá lời. Dẫu rằng việc ủng hộ bằng vũ khí hạng nặng có thể giúp mang lại thắng lợi quân sự nhưng với việc phải cho đi những xe tăng chiến đấu chủ lực mà mình còn đang thiếu cho thấy Mỹ và các đồng minh NATO quan ngại thế nào về thế trận ở miền đông Ukraine khi các loại xe tăng, tên lửa… từ thời Liên Xô mà các nước NATO gửi sang Ukraine đã trở thành những khối sắt vụn trên chiến trường.

Bản thân Mỹ và Đức cũng nhìn vào nhau để đưa ra quyết định viện trợ xe tăng cho Ukraine. Thủ tướng Đức - Olaf Scholz đã phải chịu áp lực rất lớn trong việc cung cấp xe tăng Leopard 2 của quân đội Đức cho Ukraine. Trước đó, Berlin vẫn từ chối cung cấp xe tăng Leopard 2 và trong những tuần gần đây, họ đã sử dụng ảnh hưởng chính trị đáng kể của mình để cấm các quốc gia khác - chẳng hạn như Ba Lan và Phần Lan - chuyển những chiếc Leopard 2 đến Kiev. Thế nhưng, khi Mỹ đồng ý gửi 31 xe tăng M1 Abrams cho Kiev, Đức cuối cùng đã nhượng bộ, với việc Ngoại trưởng Đức nói rằng Berlin sẽ không cản trở việc Ba Lan gửi xe tăng Leopard tới Ukraine. Lập trường thay đổi của Đức lộ ra những câu hỏi khó mà chính các thành viên trong NATO phải trả lời: Đó là một nghĩa vụ hay một động thái mạo hiểm? Những loại vũ khí nào nên được cung cấp? Hậu quả là gì khi vấp phải phản ứng tiềm tàng từ Nga? Tương lai của an ninh châu Âu sẽ ra sao?

Quyết định đưa các loại xe tăng chiến đấu chủ lực như Challenger 2 của Anh, M1 Abrams của Mỹ, Leopard 2 của Đức và có thể sẽ là Leclerc của Pháp tới Ukraine đang trong quá trình được thực hiện. Điều này có nghĩa phải mất ít nhất vài tháng thì những chiếc xe tăng này mới có thể lăn bánh trên chiến trường Ukraine. Việc huấn luyện hay bảo đảm hậu cần cho các kíp xe này là một thách thức rất lớn. Trong khi đó, theo cam kết tới thời điểm này, Ukraine chỉ có thể nhận được khoảng 60 chiếc xe tăng gồm ba chủng loại của ba nước khác nhau. Với một đội hình xe tăng “thập cẩm” và được huấn luyện vội vàng, liệu Kiev có thể giành lại lợi thế trên chiến trường? Trong khi đó, chiến trường ở miền đông Ukraine là một vùng đồi núi rộng lớn, gây khó khăn cho việc đảm bảo hậu cần cho chính các kíp xe tăng này trong khi Nga gần như làm chủ không phận khiến số phận của các kíp xe càng khó được bảo đảm.

Xe tăng là hỏa lực đột kích. Với các xe tăng chủ lực, nhiệm vụ đột kích nặng nề hơn rất nhiều. Thế nhưng việc gửi xe tăng theo cách của NATO cho Ukraine cho thấy NATO không có một chiến lược cụ thể với Ukraine. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo NATO thường gây xúc động, cam kết ủng hộ Kiev trong nỗ lực giành lại lãnh thổ, thiếu một kế hoạch chi tiết để cung cấp cho Ukraine mọi sự hỗ trợ cần thiết để giành chiến thắng thay mặt phương Tây. Đó là thực tế trong những tháng qua. Thế nhưng, việc thiếu chiến lược của NATO ở Ukraine lại có thể chính là chiến lược của họ - chiến lược duy trì cuộc chiến ủy nhiệm, kéo dài chiến tranh ở Ukraine hòng làm Nga suy yếu thêm và Ukraine phụ thuộc nhiều hơn vào NATO.

Nga ắt hẳn không bất ngờ trước quyết định viện trợ xe tăng cho Ukraine của NATO bởi từ khi chiến sự bùng nổ, NATO đã chuyển giao cho Kiev nhiều loại vũ khí từ thời Liên Xô rồi đến các hỏa lực trong trang bị của NATO. Điều khác là lần này NATO gửi xe tăng chiến đấu chủ lực - dấu hiệu của một sự leo thang mới. Trước quyết định trên của Mỹ và NATO, RT dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ - Anatoly Antonov nói: “Nếu quyết định chuyển giao các xe tăng M1 Abrams cho Kiev được đưa ra, không nghi ngờ gì việc các xe tăng của Mỹ sẽ bị tiêu diệt như những thiết bị quân sự khác của NATO”.

Chiến sự tại Ukraine sẽ được đẩy lên một nấc mới và liệu NATO có sẵn sàng can dự sâu hơn vào cục diện trên chiến trường Ukraine?

Thanh Huyền