Tài xế giao hàng và khách đều phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngày 18-6, Trạm y tế phường Thạnh Xuân, quận 12, T.P Hồ Chí Minh cho biết: Một tài xế xe ôm công nghệ dương tính với Covid-19 lần 1. Thông tin này đã khiến những người đang hành nghề xe ôm, giao hàng, cảm giác lo lắng, bởi trong mùa dịch, họ là người di chuyển và tiếp xúc với rất nhiều người.

Quy tắc an toàn khi giao, nhận hàng

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các nhà hàng, quán ăn tại các thành phố lớn như Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng đều tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhanh chóng thích ứng, chuyển đổi sang các hình thức bán hàng mang về và bán qua mạng. Nhiều biện pháp phòng, chống dịch được triển khai tích cực, đội ngũ giao hàng các dịch vụ thiết yếu, hàng hóa, thư tín được suôn sẻ trong bối cảnh người dân hạn chế việc ra ngoài. Tuy nhiên, rủi ro của di chuyển và tiếp xúc liên tục cũng khiến người giao hàng rất dễ bị lây nhiễm, hoặc tiếp xúc gần với người đã nhiễm bệnh.

Vừa giao xong một đơn đặt hàng, CCB Đoàn Văn Tịnh, 57 tuổi, ngụ quận Tân Bình, T.P Hồ Chí Minh chia sẻ: “Khi tiếp nhận thông tin đồng nghiệp bị nhiễm Covid-19 tôi cũng đã rất lo lắng. Dù vậy, đây đang là mùa cao điểm, đơn hàng đến rất nhiều nên cánh tài xế phải chấp nhận mạo hiểm. Nếu chạy từ 15-20 đơn hàng cũng kiếm khoảng 350-400.000 đồng/ngày”.

Theo ông Tịnh, số lượng đơn hàng tăng mạnh giúp các tài xế xe ôm công nghệ có thu nhập tốt hơn. Trong quá trình giao hàng, các tài xế thường xuyên nhắc nhở nhau biện pháp phòng dịch, như luôn đeo khẩu trang, nhận đơn hàng đều sử dụng dung dịch sát khuẩn tay và giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

Anh Trần Bá Hùng, trú tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, T.P Hà Nội cho biết: Mỗi đơn hàng anh có thể được 20.000-30.000 đồng/hành trình, tùy độ dài quãng đường. “Bình thường tôi chỉ nhận giao cho 2 cửa hàng quen, nhưng đợt này nhu cầu của người dân tăng cao, có ngày tôi giao được 30 đơn hàng, thu nhập khoảng 600.000 đồng. Thu nhập cao hơn, nhưng bản thân cũng phải đối diện rủi ro. Để đảm bảo cho bản thân cũng như khách hàng, tôi sắm thêm bình xịt khử khuẩn, luôn đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc gần” - anh Hùng nói thêm.

Có hơn 3 năm trong nghề xe ôm công nghệ, anh Trần Minh Lộc, 32 tuổi, quê quán tại Nghệ An, đang hành nghề tại khu vực quận Hà Đông, T.P Hà Nội cho biết: Đang mùa dịch nhưng tôi vẫn phải cố gắng chạy để lo cho gia đình. Anh Lộc kể: “Công việc giao hàng mùa dịch gần như khác hoàn toàn bình thường. Lúc này mọi người đều ngại tiếp xúc. Có khi đến giao hàng, người nhận không dám ra, tôi phải để hàng rồi tránh xa, gọi điện cho khách ra lấy”.

Về phía các cửa hàng, nhất là đồ ăn, đồ uống, việc khách đến trực tiếp giảm nhiều, nhưng một số cửa hàng vẫn có thể duy trì nhờ lượng khách đặt hàng qua mạng. Trao đổi với chúng tôi, chủ quán trà sữa trên phố Thái Hà, quận Đống Đa, T.P Hà Nội cho biết: Hiện cửa hàng không phục vụ khách tới quán trực tiếp nhưng khách đặt qua các ứng dụng tăng lên đáng kể so với thời điểm trước. “Số lượng đơn hàng đặt mua qua mạng, giao tận nơi thông qua xe ôm công nghệ tăng mạnh khoảng 30 đến 40%. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi phương án để có thể phục vụ khách tốt nhất và luôn nhắc nhở người giao hàng phải đảm bảo an toàn cho các bản thân cũng như khách hàng” - chủ cửa hàng nói.

Hãng xe ôm công nghệ sẽ hỗ trợ cho tài xế

Để đảm bảo quyền lợi cho lái xe, các hãng xe ôm công nghệ như Grab, Baemin hay Gojek đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nhằm giúp người lao động yên tâm hành nghề trong thời điểm dịch bệnh. Đại diện Grab cho biết: Với những tài xế tại T.P Hồ Chí Minh, trong quá trình đón khách, nếu khách hàng từ chối việc khai báo, tài xế có quyền hủy cuốc mà không ảnh hưởng đến công việc. Ngoài ra, trong trường hợp tài xế dương tính Covid-19, hãng sẽ hỗ trợ số tiền 1-2 triệu đồng. Trường hợp tài xế là F1 phải cách ly tập trung hoặc F2 phải cách ly tại nhà, hãng hỗ trợ 100.000 đồng/ngày, tối đa 21 ngày, tương đương 2,1 triệu đồng. Sau thời gian cách ly, tài xế gửi giấy của y tế xác nhận hoàn thành cách ly về hãng, trong vòng 3 ngày sẽ nhận thanh toán khoản tiền này.

Trong khi đó, lái xe của hãng Baemin nếu bị nhiễm, hoặc nghi lây nhiễm phải đi cách ly tập trung, cách ly tại nhà hoặc ở trong khu vực phong tỏa có xác nhận của cơ quan chức năng, thì mức hỗ trợ tùy từng trường hợp, khoảng 50% thu nhập của 21 ngày gần nhất, lên đến 4 triệu đồng.

Theo đại diện Gojek, các tài xế có hiệu suất trung bình 95%, sẽ nhận được khoản hỗ trợ tài chính 200.000 đồng mỗi ngày, tối đa 21 ngày, nếu nhận kết quả xét nghiệm dương tính đối với Covid-19, hoặc nhận được yêu cầu cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước. Các tài xế còn lại nhận được mức hỗ trợ 100.000 đồng/ngày nếu gặp tình huống tương tự. Ngoài ra, các tài xế khi thực hiện các đơn hàng giao đồ ăn trực tuyến GoFood trong thời gian này, nếu đạt hiệu suất trung bình 7 ngày từ 85% trở lên sẽ được hỗ trợ thêm mỗi ngày 100.000 đồng tại Hà Nội và 150.000 đồng tại T.P Hồ Chí Minh.

Võ Hóa

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)