Phải lưu thông bằng xe chính chủ là quy định rất cần thiết để phục vụ cho công tác quản lý, giữ gìn an ninh trật tự. Tuy nhiên, đối với nước ta, khi mà đi lại tiện lợi nhất vẫn chủ yếu bằng xe máy thì quy định này khó mà thực hiện triệt để được ngay.
Có một thực tế, trong một gia đình đông người, nhất là ở thành phố, thị xã thì không thể mua cho mỗi người một chiếc xe máy được, nên việc chồng “mượn xe” của vợ, hay các thành viên trong nhà lấy xe đi lại chốc lát là chuyện rất phổ biến và nó cũng cần thiết, vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm lại phù hợp với điều kiện nhà ở chật chội, phương tiện giao thông công cộng còn chưa đáp ứng được như hiện nay.
Đó là chưa nói các thủ tục sang tên đổi chủ của ta lâu nay còn rất rườm rà, nhiêu khê; lệ phí thì cao, nhiều khoản thu bất hợp lý làm cho không ít người dân “ngại” sang tên đổi chủ, nên số lượng xe, nhất là xe máy không chính chủ trong cả nước là khá lớn, cơ quan chức năng không thể thống kê được con số chính xác.
Để quy định trên thành hiện thực, thiết nghĩ Bộ Công an chưa nên áp dụng với tất cả các đối tượng. Bộ cần triển khai thí điểm ở một số địa bàn để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng ra cả nước.
Đồng thời các ngành chức năng phải đổi mới, thậm chí thay đổi nhận thức về mục đích của sang tên đổi chủ xe là để phục vụ cho công tác quản lý, chứ không phải để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nên phải giảm bớt tối đa giấy tờ, thời gian và chỉ thu một khoản lệ phí trước bạ xe tối thiểu, nhằm khuyến khích mọi người làm thủ tục sang tên đổi chủ xe.
NGUYÊN HẠNH