...Chiếc xe khách chạy bon bon trên tỉnh lộ 206 đưa chúng tôi từ TP. Cao Bằng vượt đèo Khau Liêu, đèo Kéo Pựt về Trùng Khánh. Không chỉ xe chở khách, trên đường chúng tôi còn gặp hàng đoàn xe tải trọng lớn từ các tỉnh miền Trung, miền Nam chở các loại nông sản, lợn thịt ra cửa khẩu Pò Peo xuất sang Trung Quốc. Thế mới biết, Trùng Khánh nói riêng, Cao Bằng nói chung đang phát triển về du lịch và xuất nhập khẩu. Chỉ tính riêng du lịch, cụm di tích thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc mỗi năm đón chừng 30.000 lượt người. Vốn biết Trùng Khánh là huyện miền núi biên giới còn nhiều khó khăn nên chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi được biết không chỉ đường 206-đường du lịch Cao Bằng-Bản Giốc, mà hầu như mọi con đường về xã, về bản ở Trùng Khánh đều đã được trải nhựa hoặc đổ bê tông, đường dẫn nước ra ruộng cũng được bê tông hóa. “Kết quả xây dựng nông thôn mới của Trùng Khánh đấy, nhà báo ạ!”. Cái mệt và mưa lạnh đầu đông như tan biến trong sự nhiệt tình, trong những câu chuyện vui của các anh trong BCH Huyện hội. Bên chén trà nóng, anh Hoàng Văn Hỏi-Chủ tịch Hội CCB huyện Trùng Khánh vui vẻ cho biết: Chỉ qua 5 năm xây dựng nông thôn mới, Trùng Khánh đã đầu tư gần 200 tỷ đồng, làm được 162km đường giao thông nông thôn, 43 công trình thủy lợi, 18km kênh mương, 11 nhà văn hóa, 4 công trình nước sạch, 6 trụ sở xã và hiện đang thi công một loạt công trình khác. “Có dịp đến bản Phịa Phảng, xã Trung Phúc nhà báo sẽ thấy đường bê-tông không kém dưới xuôi đâu nhé. Trước đó là đường đất vừa bé, vừa bẩn, mưa một tí là đường nhão nhoét. Mà chẳng riêng gì ở Trung Phúc đâu”. Điện lưới đã đến tất cả các xã, mạng thông tin di động đã phủ sóng khắp địa bàn; những ngôi nhà đất dần biến mất, nhường chỗ cho những ngôi nhà kiên cố cao 2-3 tầng mọc lên khắp nơi. Ô tô, xe máy đã làm hết việc của con ngựa, ngoài ruộng đã xuất hiện máy cày, máy kéo… Góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Trùng Khánh là công sức, là tấm lòng của hơn 3.000 hội viên CCB ở thị trấn Trùng Khánh và 19 xã. Chúng tôi được biết, ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Trùng Khánh, vậy mà CCB toàn huyện đã tham gia đóng góp được 2.664 ngày công và hàng trăm triệu đồng cho xây dựng nông thôn mới; giúp các gia đình hội viên khó khăn sửa nhà và phát triển kinh tế 1.065 ngày công. Chỉ tính riêng trong năm 2016 này đã có gần 500 lượt hội viên CCB ở 8 xã biên giới như Đàm Thủy, Chí Viễn… đã tham gia cùng Bộ đội Biên phòng đi tuần tra và phát quang đường biên được 50 buổi. Hội CCB ở các xã đi vào hoạt động đều đặn, có nội dung, có chất lượng, từ đó, hiệu quả các phong trào được khẳng định. Những năm qua, Hội CCB huyện Trùng Khánh đã được nhận hàng trăm bằng khen, giấy khen của huyện, của tỉnh và một số bộ ngành T.Ư, trong đó có bằng khen của T.Ư Hội CCB Việt Nam.
Trăm nghe không bằng một thấy, chúng tôi đến thăm Hội CCB xã Chí Viễn, một trong những “chiếc nôi” của hạt dẻ Trùng Khánh nổi tiếng. Tại trụ sở UBND xã, anh Nông Văn Hiền-Chủ tịch Hội CCB xã vừa đi kiểm tra phun tiêu độc khử trùng và phòng chống rét đậm, rét hại cho trâu bò ở xóm Keo Háng do chi hội CCB phụ trách trở về. Anh kể, việc Hội vậy mà bận lắm, nào là tổ chức tham gia tuần tra đường biên cùng Bộ đội Biên phòng, thăm ốm, thực hiện và kiểm tra chuyện vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế, tránh xâm tiêu và bảo toàn vốn; vận động 68 gia đình hội viên di dời trâu bò khỏi gầm nhà để giữ vệ sinh. 281 hội viên ở khắp 22 chi hội luôn đoàn kết xây dựng Hội. Cái hay ở Chí Viễn, Chủ tịch Hội CCB Nông Văn Hiền cho biết: Hội đã vận động trong Hội thành lập được quỹ cho hội viên vay không lãi được 18,5 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Trong cơn lốc lấn át của hạt dẻ Trung Quốc, hiện rất nhiều gia đình ở Chí Viễn, trong đó có hàng chục hộ CCB vẫn còn duy trì được vườn cây dẻ, điển hình như hộ CCB Nông Văn Chu ở Bản Khấy với vườn dẻ 400 cây. Dẫn chúng tôi đi thăm, anh Hiền vui kể, không chỉ đại gia đình anh Chu mà cả xã Chí Viễn, cả huyện Trùng Khánh và cả tỉnh Cao Bằng vừa vinh dự được đón nhận danh hiệu “Cây di sản Việt Nam” cho cây dẻ 113 năm tuổi trong vườn nhà. Cây cao chừng 15m, tán rộng 14m, than cây có chu vi 3,13m, hai người ôm không xuể. Chị Triệu Thị Lợi, vợ anh Nông Văn Chu cho biết: Hằng năm, cây vẫn cho khoảng 4.000 hạt, hạt to tròn, nâu bóng. Chúng tôi ngỏ ý mua ít hạt làm giống, chị cười ngượng: “Mình bán hết cách đây nửa tháng rồi mà”. Kiểm tra mấy cái thúng trong nhà, chị đếm còn 8 hạt, mà lại là hạt mà lũ trẻ vừa rang lúc sáng. Dù sao cũng được ăn hạt của cây dẻ xịn, bùi và thơm thật. Khách du lịch đến đây đúng mùa, sẽ may hơn chúng tôi.
Những chuyện vui ở Trùng Khánh có nhiều, nhiều lắm; nhưng qua mắt thấy tai nghe thì thấy vẫn có một số chuyện đáng bàn để Trùng Khánh ngày càng phát triển hơn. Tiềm năng của Trùng Khánh là rất lớn, nhưng để biến thành thực tế thì chưa được bao nhiêu, như chuyện quặng măng gan có rất nhiều ở các khu vực biên giới nhưng bị khai thác lậu, xuất lậu sang bên kia đường biên. Danh tiếng hạt dẻ Trùng Khánh thơm bùi là vậy, nhưng sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu và làm giàu từ cây dẻ thì hình như không được quan tâm đúng mức khi không ai đứng ra tổ chức thu mua và đảm bảo uy tín cho sản phẩm hạt dẻ, xây dựng dự án phát triển 2.500ha cây dẻ thì dự án bị chết yểu do thiếu vốn, do cây dẻ ghép phát cho dân trồng không ra quả, dân phải chặt làm củi. Ngay chuyện lễ công nhận “Cây dẻ di sản” có ý nghĩa là vậy nhưng đường vào “Cây di sản” cách đường nhựa chỉ 300m nhưng khách tham quan vẫn phải trèo qua hai bờ ruộng cao, Cây di sản chưa được rào dậu thành khuôn viên đúng tầm của nó. Buồn nhất là chuyện, cây dẻ Trùng Khánh cho thu hoạch vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch và Trùng Khánh chỉ có hơn 250ha cây dẻ, sản lượng hạt khoảng 100 tấn, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu, chỉ sau 7 ngày hái xuống hạt dẻ Trùng Khánh sẽ bị thối; vậy nhưng trên thị trường Cao Bằng và nhiều nơi khác, kể cả tại chính địa bàn huyện Trùng Khánh xuất hiện bạt ngàn các loại hạt dẻ nhập lậu từ Trung Quốc được gắn mác “hạt dẻ Trùng Khánh” để đánh lừa người mua. Chính người viết bài này, hôm đi xe khách lên Trùng Khánh cũng phải ngồi lẫn với hai bao tải to, loại 50kg hạt dẻ Trung Quốc của người dưới thành phố gửi lên Trùng Khánh bán. Không chỉ người buôn bán lừa, một số gia đình trồng dẻ ở ngay Trùng Khánh cũng mua hạt dẻ Trung Quốc về rải ra vườn cùng vỏ quả dẻ Trùng Khánh thật để khách du lịch “vào vườn nhà nhặt hạt dẻ”. Những chuyện như vậy, rất nhiều người Trùng Khánh, người Cao Bằng và nhiều nơi biết nhưng đến nay tại Trùng Khánh, mọi chuyện vẫn như cái cây mọc tự nhiên từ đất lên vậy.
Về Trùng Khánh, có chuyện vui, có chuyện chưa vui nhưng chúng tôi tin, lần sau trở lại chỉ có chuyện vui.
LDC