“Xây dựng Đảng không phải là xây dựng chay” - đó là phát biểu nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 21-3-2019, tại Hội nghị Bộ Chính trị cho ý kiến về báo cáo kết quả 5 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị đối với 15 cấp ủy và tổ chức Đảng trực thuộc T.Ư trong việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XII về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trước đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần lên tiếng nhắc nhở, phê bình hiện tượng “đóng cửa để xây dựng Đảng”.

“Xây dựng chay”, hay “đóng cửa để xây dựng Đảng” có thể hiểu đó là những hoạt động mang bệnh thành tích, hô hào suông, như chiếc thùng rỗng kêu to, cố tỏ ra quan tâm, chú trọng xây dựng Đảng nhưng không có việc làm thực chất, khiến cho tổ chức Đảng thiếu sức chiến đấu, nghị quyết của Đảng không đi vào cuộc sống.

Để khắc phục tình trạng “xây dựng chay”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ nội dung thực chất của công tác xây dựng Đảng: “Xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức, con người, có phương thức hoạt động tốt để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị, sâu xa là chỗ đó, không thể không làm. Tuy nhiên, xây dựng Đảng không phải xây dựng chay, mà thông qua thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông qua tất cả các hoạt động để xem con người, tổ chức, phương thức lề lối làm việc thế nào, chủ trương đề ra có đúng không, tổ chức thực hiện có tốt không”.

Như vậy, nói xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức thì rốt cục cũng phải hướng vào từng nhiệm vụ chính trị cụ thể. Nhiệm vụ chính trị của các tổ chức Đảng cũng đã được xác định khá rõ ràng, đó là lấy phát triển kinh tế - xã hội làm nhiệm vụ trung tâm, quốc phòng - an ninh là trọng yếu, phát triển văn hóa là nền tảng...

Nội dung nhiệm vụ đã rõ ràng, nhưng tình trạng “xây dựng chay” vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Trước đây, đã từng có hiện tượng đơn vị, địa phương yếu kém, mất sức chiến đấu nhưng người đứng đầu và tập thể cấp ủy ở đó vẫn được đánh giá “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Gần đây, những hiện tượng đó đã giảm nhưng vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương để xảy ra nhiều tiêu cực, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị không có nhiều chuyển biến, bị dư luận xã hội và báo chí phản ánh nhưng vẫn “ngó lơ” và vẫn tự đánh giá mình “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, phức tạp”. Những con số rất đáng lo ngại là, trong 5 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng 77.662 đảng viên vi phạm; trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức Đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái (theo báo điện tử dangcongsan.vn).

Điều đáng buồn tình trạng “im lặng đáng sợ” đã xuất hiện trong một bộ phận cán bộ có chức, có quyền. Họ bỏ mặc ngoài tai những xì xào, đồn thổi của dư luận, báo chí về bản thân mình, thản nhiên “bịt tai lấy trộm chuông” vì cho rằng người dân “biết mà không thấy”, không có đủ chứng cớ để tố cáo những hành vi tiêu cực của họ. Thậm chí, họ xây dựng phe nhóm lợi ích, không phải để giúp nhau khắc phục những hạn chế, yếu kém để cùng tiến bộ, mà bàn tính những mưu mô chống chế, lấy “số đông phe nhóm” để đẩy ra ngoài những người không cùng “chí hướng”…

Để không xây dựng Đảng chay, điều rất quan trọng mà các tổ chức trong hệ thống chính trị hiện nay cần thực hiện là “xây gắn liền với chống”, tập trung phòng, chống cho được tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù”. Trong tình hình “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” rơi vào suy thoái, biến chất như hiện nay, thì việc đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, chống tiêu cực chính là việc làm thực chất, hiệu quả nhất để xây dựng Đảng không phải là “xây dựng chay”.

Làm tốt nhiệm vụ trên không chỉ là yêu cầu lâu dài, mà còn mang tính thời sự - thậm chí là tình thế trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Và đó  cũng chính là giải pháp phát triển bền vững, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị, địa phương.

Nguyễn Hồng