Giá xăng dầu tăng liên tục khiến doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn.

Giá xăng dầu trong nước tăng cao tác động lớn đến chi phí sinh hoạt cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất trở lại sau dịch Covid-19.

Doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn

Sau 7 lần tăng liên tiếp (từ 25-12-2021 đến 11-3-2022), giá xăng tiến sát 30.000 đồng/lít và ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay. So với cùng kỳ năm ngoái, mỗi lít xăng RON95 tăng thêm hơn 8.500 đồng; E5 RON92 tăng trên 9.000 đồng và dầu diesel tăng hơn 8.000 đồng. Giá xăng dầu trong nước liên tục leo thang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. CCB Nguyễn Văn Tiến, trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết: “Giá xăng dầu liên tục tăng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch của nhiều gia đình hành nghề đi biển trong xã. Thuyền của gia đình tôi có công suất 380CV, bình thường mỗi chuyến phải có 5-6 người để đánh bắt, nhưng những ngày gần đây, giá dầu tăng cao lại khó thuê nhân công nên mỗi chuyến biển gần như không có lãi. Càng đi xa càng lỗ, chúng tôi phải chuyển đánh bắt từ xa bờ sang gần bờ”.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc chia sẻ, hiện nay, tại cảng cá Lạch Vạn, một trong những điểm tập trung đông tàu đánh cá nhất của huyện đang có khoảng hơn 200 tàu neo đậu. Sau Tết, thời điểm tăng giá xăng dầu, có khoảng gần một nửa số lượng tàu neo đậu ở cảng ra khơi khai thác, chủ yếu có hành trình đi từ 5-7 ngày đã trở về cảng. Khi giá xăng dầu tăng, mỗi chuyến ra khơi mất thêm từ 20 triệu đến gần 70 triệu đồng tuỳ công suất từng tàu. Số tiền bán hải sản đánh bắt được không đủ mua nhiên liệu…, do đó nhiều tàu phải nằm bờ.

Với những nhóm ngành vận tải và sử dụng các phương tiện vận tải, giá xăng dầu đang khiến nhiều doanh nghiệp bị lỗ nặng, bởi chi phí đầu vào đội thêm 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàng Sơn chạy tuyến cố định Hà Nội - Nam Định cho biết, mỗi tháng công ty ông sử dụng khoảng 100.000 lít dầu cho xe vận tải. Với mức giá này, công ty đang gánh thêm khoảng 800 triệu đồng một tháng, chưa kể các chi phí nhiên liệu khác như lốp, nhớt cũng leo thang 40% so với năm ngoái. Thu không đủ bù chi khiến doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng.

Xăng dầu tăng giá liên tục cũng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân. Những ngày này, chị Trần Ngọc Oanh, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, T.P Hà Nội phải thắt chặt chi tiêu do giá các mặt hàng đều tăng. Đơn cử như hành lá trước đây chỉ 2-3.000 đồng/lạng thì nay loại rau gia vị này lên giá tới 7.000 đồng/lạng, hay bắp cải, cà chua, dầu ăn... cũng đều tăng giá. “Vợ chồng tôi làm lao động tự do, từ tháng 4 năm ngoái dịch bệnh bùng phát, công việc bấp bênh, thu nhập giảm nhiều mà giá xăng, giá gas rồi thực phẩm đều tăng cao khiến cuộc sống chật vật hơn trước”, chị Oanh nói.

Bà Lê Thị Phương, tiểu thương bán rau tại chợ Thanh Xuân Trung, T.P Hà Nội cho biết: “Một tháng chi phí xăng xe nhập hàng của cửa hàng thêm gần nửa triệu đồng. Cùng với giá xăng, giá hàng hoá nhập cũng tăng thêm 15%. Tuy nhiên, vì sức mua yếu nên bà Phương chỉ tăng giá bán thêm 5%, 10%, còn lại buộc phải cân đối để có khách. Dủ chỉ tăng nhẹ giá bán nhưng sức mua yếu khiến doanh thu một ngày của cửa hàng chỉ 300.000-500.000 đồng, giảm 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kéo theo, lãi mỗi ngày chỉ khoảng 100.000-200.000 đồng”.

Cần nghiên cứu giảm thuế đối với xăng dầu

Tại kỳ điều hành ngày 21-2, Bộ Công thương thừa nhận, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai những biện pháp phục hồi kinh tế. Giá xăng, dầu neo ở mức cao và liên tục được điều chỉnh theo giá thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp, làm tăng giá thành sản xuất, tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông. Chi phí sản xuất của doanh nghiệp lên cao sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, từ đó áp lực đến lạm phát.

Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính tính lại chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ năm 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cũng như các loại thuế trong giá cơ sở, nhất là thuế bảo vệ môi trường. Hiện thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng RON 95 là 4.000 đồng/lít, E5 RON 92 là 3.800 đồng/lít, còn dầu diesel là 2.000 đồng/lít. Ngoài thuế bảo vệ môi trường, mỗi lít xăng hiện “cõng” thêm các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng/lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu. Ước tính, bình quân mỗi lít xăng, thuế, phí hiện chiếm khoảng 42-43%; dầu 21-27%.

Để giảm tải áp lực xăng dầu liên tục tăng giá, Dự thảo nghị quyết về giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2022 đã được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 14-3. Bộ trưởng Tài chính thừa uỷ quyền của Thủ tướng, ký tờ trình báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến cơ quan thường trực của Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua theo quy trình một phiên họp. Theo đề xuất trước đó của Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ giảm một nửa so với hiện hành, tức giảm 2.000 đồng với mỗi lít xăng. Mức giảm với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng mỗi lít, mỡ nhờn là 1.000 đồng mỗi kg, dầu hỏa 700 đồng mỗi lít. Sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua, quy định này dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-4. Sau giảm thuế này, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng và giá dầu cũng được điều chỉnh giảm 1.100 đồng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, xăng dầu tuy chỉ chiếm 2-3% chi phí của nền kinh tế nhưng có tác động gián tiếp rất lớn, các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất do tăng giá xăng dầu là vận tải, logistics, đánh bắt cá xa bờ… Bên cạnh mức giảm thuế bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý cần tính đến cả các chính sách thuế khác, dựa trên nguyên tắc vừa có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vừa có lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Võ Hóa