Năm 1961, ông Đào Văn Hộ ở xã Nghĩa Ninh, T.P Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ về Trung đoàn 270, chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị. Ông xuất ngũ năm 1964, tái ngũ năm 1965, chiến đấu ở Quảng Trị, đơn vị K814 . Đây là chiến trường ác liệt, có nhiều chất độc da cam/đi-ô-xin, vì thế ông bị phơi nhiễm.
Rời quân ngũ về quê, mang trong mình nhiều vết thương chiến tranh, CCB Đào Văn Hộ được hưởng chế độ bệnh binh. Năm 1979, sau khi lập gia đình, hai vợ chồng sinh được 5 người con nhưng 1 cháu bị bệnh mất khi còn nhỏ, còn 4 đứa con chỉ có 1 là được bình thường, 3 đứa khác đều bị tật nguyền do nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, mọi sinh hoạt đều nhờ vào sự chăm sóc của bố mẹ. Đã thế các con lại thường ốm đau, đi viện suốt nên gia đình luôn lâm vào cảnh túng thiếu. Điều đó làm ông suy nghĩ, làm gì, làm thế nào để có điều kiện chăm sóc các con và thoát khỏi cảnh nghèo khó.
CCB Đào Văn Hộ làm đơn lên UBND xã xin thuê 7ha đồi trọc để trồng rừng theo Dự án 327. Bước đầu gặp nhiều khó khăn, song với bản lĩnh được rèn luyện trong quân ngũ và với đức tính kiên trì, chịu khó, ông động viên vợ con “Lấy ngắn nuôi dài”, vừa sản xuất nông nghiệp vừa tập trung trồng rừng. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên đến nay 7ha đồi trọc được phủ kín màu xanh của tràm, keo, thông... gia đình đã thu hoạch được 7 đợt, lợi nhuận gần 80 triệu đồng/lần. Ngoài ra, ông Hộ còn khai hoang 1ha để trồng các loại cây ăn quả như: Vải thiều, nhãn, ổi, thanh long và các loại cây ngắn ngày, lợi nhuận gần 50 triệu đồng/năm.
Để tăng thu nhập, ông đấu thầu 3ha trồng lúa 2 vụ, mỗi năm thu hoạch hơn 20 tấn lúa. Ông động viên vợ con chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm.
Hơn 30 năm với bao mồ hôi, công sức đã đổ, đến nay kinh tế gia đình ông đã ổn định, có điều kiện để chữa bệnh cho các con, mua sắm các vật dụng cần thiết, xây dựng nhà cửa khang trang và còn giúp đỡ các gia đình, đồng đội gặp khó khăn.
Tuy công việc gia đình luôn bận rộn nhưng CCB Đào Văn Hộ vẫn tích cực tham gia công việc của Hội CCB, Hội Người cao tuổi và rất nhiều công việc khác ở địa phương. Hiện ông là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Nghĩa Ninh. Hằng ngày ông tích cực giúp đỡ đồng đội, quan tâm đến các chế độ chính sách, nhằm dịu bớt phần nào nỗi đau da cam của con cháu đồng đội của mình.
Đức Nguyên