Tên lửa của lực lượng Houthi trong lễ diễu binh tại Sanaa, Yemen, ngày 21-9-2023.

Trong một thế giới kết nối, một khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nền kinh tế của thế giới nói chung và nhiều quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ khi Houthi ở Yemen thực hiện các cuộc tấn công vào các tàu hàng đi qua Biển Đỏ để phản ứng, ủng hộ người Palestine trước các cuộc tấn công của Israel, Biển Đỏ đã trở thành một vùng xám về an ninh. Trong khi các hãng tàu tìm cách né tránh tuyến đường này, các giải pháp an ninh trước mắt lại chưa có, báo hiệu tương lai ảm đạm của nền kinh tế thế giới.

Theo thống kê sơ bộ, tới nay lực lượng Houthi đã tiến hành hơn 100 cuộc tấn công, nhắm vào 10 tàu hàng có liên quan tới hơn 35 quốc gia. Những cuộc tấn công như vậy đã làm rối loạn tuyến đường huyết mạch Á -Âu qua Biển Đỏ, chiếm 40% giao thương hàng hải của thế giới. Lực lượng Houthi vẫn thách thức cộng đồng quốc tế, tuyên bố tiếp tục các cuộc tấn công chừng nào lương thực và thuốc không được chuyển vào dải Gaza và chừng nào Israel chưa ngừng bao vây và oanh kích Hamas. Theo Công ty hậu cần Kuehne + Nagel, các cuộc tấn công của Houthi đã khiến khoảng 100 tàu container đang tích cực tránh tuyến Biển Đỏ, và nhiều tàu khác có thể sẽ làm theo. Tuyến Singapore - Rotterdam giờ đây sẽ đi vòng quanh bờ biển phía nam châu Phi và quay trở lại Đại Tây Dương và châu Âu, khiến hành trình kéo dài thêm nhiều tuần và chi phí tăng cao.

Khi các con tàu hàng phải tìm lối đi xa hơn để bảo đảm an ninh thì nền kinh tế thế giới phải chịu những tổn thương lớn. Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào hoạt động vận tải quốc tế ở Biển Đỏ đã làm xáo trộn chuỗi cung ứng, đẩy giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao, đồng thời làm gia tăng căng thẳng địa chính trị vượt xa các quốc gia xung quanh Biển Đỏ. Một số công ty vận tải biển lớn nhất thế giới - MSC, Maersk, CMA CGM Group và Hapag-Lloyd - đã đình chỉ các chuyến đi của họ ở Biển Đỏ. Công ty năng lượng khổng lồ BP cũng tuyên bố sẽ tránh Biển Đỏ cho đến khi có thông báo mới.

Những tác động đối với thương mại thế giới bởi các cuộc tấn công trênlà nghiêm trọng. Khoảng 15% thương mại toàn cầu và 30% lưu lượng container đi qua Kênh đào Suez. Biển Đỏ và Kênh đào Suez là những mắt xích quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dầu, khí đốt tự nhiên, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp và hơn thế nữa. Khoảng 40% thương mại Á - Âu đi qua Kênh đào Suez, bao gồm cả nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng quan trọng. Vào năm 2021, khi một con tàu mắc kẹt trên Kênh đào Suez và chặn nó hoàn toàn, các nhà kinh tế ước tính rằng khoảng 10 tỷ USD thương mại bị ảnh hưởng cho mỗi ngày tuyến đường thủy bị chặn. Với Ai Cập, Cơ quan quản lý kênh đào Suez đã báo cáo mức thu kỷ lục 9,4 tỷ USD trong năm tài chính 2022-2023. Sự sụt giảm nghiêm trọng trong nguồn thu đó sẽ tiếp tục gây sức ép lên nền kinh tế Ai Cập vốn đang quay cuồng vì khủng hoảng ngoại hối và lạm phát tăng cao. Người ta lo ngại rằng Ai Cập có thể vỡ nợ với khoản nợ nước ngoài trị giá khoảng 165 tỷ USD, một trong những mức cao nhất ở các thị trường mới nổi.

Trước các cuộc tấn công của Houthi, có ba giải pháp đã được thực hiện. Thứ nhất, tàu hàng né tuyến đường nguy hiểm này. Thứ hai, các giá bảo hiểm đã được tăng cho các con tàu vẫn tiếp tục đi qua. Thứ ba, thành lập liên minh để bảo đảm an ninh. Cụ thể, quân đội Mỹ đã công bố thành lập một liên minh quốc tế để bảo vệ các tuyến đường vận tải trên Biển Đỏ và đảm bảo an ninh cho khoảng 400 tàu đi qua Biển Đỏ vào bất kỳ thời điểm nào. Kế hoạch của Mỹ không hoàn toàn xoa dịu được các công ty bảo hiểm, những người đã tăng giá các chuyến đi qua Biển Đỏ và mở rộng các khu vực được coi là có rủi ro cao. Triển vọng về các cuộc tấn công của Mỹ chống lại phiến quân Houthiđược nêu ra. Giá dầu đang nhích lên sau nhiều tuần giảm.

Thế nhưng, Liên minh Biển Đỏ do Mỹ thành lập chưa phát huy tác dụng. Đã thế, nguy cơ tan rã liên minh này đã sớm xuất hiện khi Tây Ban Nha từ chối tham gia và nhiều nước dù có tên trong liên minh, nhưng cũng không cử tàu tham gia chiến dịch bảo vệ các tàu hàng đi qua Biển Đỏ.

Theo AFP, Mỹ mới đây đã thông báo lập liên minh 10 nước có tên “Chiến dịch bảo vệ thịnh vượng - OPG”, để ứng phó các vụ tập kích của Houthi nhằm vào tàu hàng ở Biển Đỏ. Các thành viên ban đầu do Washington thông báo gồm: Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles, Tây Ban Nha. Ítnhất 8 nước không muốn tiết lộ thông tin về sự tham gia của mình vào liên minh do Mỹ dẫn đầu. Riêng với Tây Ban Nha, Chính phủ nước này đã bày tỏ không hài lòng khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin đưa nước này vào danh sách 10 nước sẽ tham gia mà không thông báo trước. Người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha - Pilar Alegria tuyên bố: Madrid sẽ không tham gia đơn phương vào liên minh, mặc dù Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha nói rằng họ có thể làm như vậy “trong khuôn khổ NATO hoặc Liên minh châu Âu (EU)”.

Vậy là, Biển Đỏ về cơ bản vẫn là chặng đường nguy hiểm của các tàu hàng quốc tế khi không có giải pháp nào khả thi, trừ phi Mỹ tấn công tiêu diệt Houthi như những lời đồn đoán. Thế nhưng, giải pháp đó vẫn còn xa vời và nền kinh tế thế giới, từng hộ gia đình sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng giá cả leo thang.

         Thanh Huyền