Sau gần 10 năm phục vụ trong quân đội, CCB Nguyễn Văn Vịnh trở về quê hương ở thôn Dinh Hương, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn khiến ông phải làm nhiều nghề để kiếm sống như thợ mộc, thợ xây, thợ điện… nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo.
Thấy quê mình trồng nhiều vải thiều, nhãn, bạch đàn phù hợp với nghề nuôi ong, ông quyết định mua 7 đõ ong về nuôi thử và lấy được 53 lít mật. Ông đến những cơ sở nuôi ong để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, nên đàn ong của gia đình dần ổn định và tăng lên nhanh chóng. Ông Vịnh chia sẻ: “Nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác. Nhưng người nuôi phải thường xuyên kiểm tra, quan sát diễn biến của đàn ong trong từng thời điểm để có cách chăm sóc phù hợp”. Hiện nay, gia đình ông có 115 đõ ong, thu 2.000 lít mật mỗi năm, trừ chi phí lãi khoảng 150 triệu đồng, cộng với thu nhập từ dịch vụ tiêu thụ mật, cung ứng dụng cụ cho xã viên hơn 100 triệu đồng.
Ông nghĩ muốn nghề nuôi ong bền vững thì cần phải có sự liên kết, nên năm 2009, ông vận động thành lập HTX nuôi ong Thiên Long với 37 xã viên và ông đứng ra làm Chủ nhiệm. HTX đem lại nhiều lợi ích cho xã viên thu hút nhiều người nuôi ong từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Tuyên Quang… tham gia. Nay HTX có 220 xã viên, chủ yếu là thương binh, bệnh binh, CCB, CQN… ông được mọi người suy tôn là “vua ong”. Từ số vốn ban đầu của HTX có 10 triệu đồng, nay tăng lên hơn 1 tỷ đồng. Mỗi năm, HTX sản xuất hơn 30 nghìn lít mật với doanh thu hàng tỷ đồng. Nhiều xã viên sau khi vào HTX được giúp đỡ cả về giống, vốn, kinh nghiệm nhanh chóng thành công với nghề nuôi ong cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Vịnh vinh dự được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TƯ, Liên minh các HTX và Hội CCB tỉnh Bắc Giang. Ông còn được tôn vinh là một trong những CCB tiêu biểu trong Phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu”, sản xuất kinh doanh giỏi Hội CCB huyện Hiệp Hòa.
Mai Anh