Tuy nhiên, kể từ ngày nhận khoán, các hộ dân đã đầu tư tiền của, công sức trồng được 486ha keo xen thông sắp vào kỳ khai thác sản phẩm, trong đó phải kể đến nhóm bốn hộ CCB: Phan Khắc Văn, Ngô Văn Vực, Hà Thế Việt và Đồng Phúc Chính, thì “mạnh tay” bỏ vốn đầu tư 61ha, mỗi héc-ta khoảng 30 triệu đồng; 3,5 tỷ đồng xây dựng 4 hồ đập thủy lợi, 5km đường nội bộ với hy vọng làm giàu từ rừng… nhưng do từ tháng 10-2008 đến nay xảy ra tranh chấp với Công ty CP trồng rừng Trường Thành (có trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột), cây rừng đã đến tuổi khai thác mà không khai thác được, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp là do ngày 3-10-2008, UBND tỉnh Đắc Lắc ban hành Quyết định số 2572/QĐ-UBND về việc thu hồi 568,43ha đất của BQL để giao cho Công ty CP trồng rừng Trường Thành (gọi tắt là Công ty Trường Thành) thuê thực hiện dự án trồng rừng, đã chồng lấn lên toàn bộ diện tích rừng của các hộ dân trồng trước đó. Trong khi đó, trước khi ban hành quyết định trên, tỉnh Đắc Lắc đã tổ chức đoàn liên ngành để kiểm tra thực địa.
Tại Biên bản phúc tra, ngày 7-4-2008, ông Nguyễn Thế Anh Sơn, trên cương vị Giám đốc BQL đã đề nghị: “Đối với diện tích đất đã giao khoán cho các hộ dân trồng rừng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không thể giao cho Công ty Trường Thành để lập dự án đầu tư trồng rừng!”. Như vậy, Quyết định số 2572/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắc Lắc đã bỏ qua kết quả điều tra hiện trạng rừng của đoàn liên ngành cũng như ý kiến của BQL, nên vô hình chung đã ban hành văn bản thu hồi trái pháp luật (không có quyết định thu hồi và không đền bù cho dân) toàn bộ 486 ha rừng trồng hợp pháp của 28 hộ dân để giao cho Công ty Trường Thành.
Sau khi phát hiện rừng trồng bị UBND tỉnh giao cho Công ty Trường Thành, ngày 24-5-2012, các ông Mai Trung Đông và Võ Văn Nam đã khiếu nại đến BQL, yêu cầu giải quyết việc UBND tỉnh Đắc Lắc cho Công ty Trường Thành thuê đất chồng lấn lên rừng của dân. Ngày 10-12-2012, BQL ban hành Quyết định số 31/QĐ-BQL, giải quyết việc khiếu nại của ông Võ Văn Nam và Quyết định số 32/QĐ-BQL, giải quyết khiếu nại của ông Mai Trung Đông.
Không đồng tình với quyết định giải quyết khiếu nại của BQL, ông Nam và ông Đông có đơn khiếu nại lên Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Đắc Lắc. Tuy nhiên điều trớ trêu, Sở NNPTNT tỉnh Đắc Lắc sau đó ban hành Quyết định số 1308/QĐ-SNN và Quyết định số 1335/QĐ-SNN lại bác đơn khiếu nại của hai ông.
Không thỏa mãn với quyết định giải quyết của Sở NNPTNT Đắc Lắc, ông Võ Văn Nam và Mai Trung Đông đã khởi kiện các quyết định hành chính của Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắc Lắc ra TAND tỉnh Đắc Lắc. Ngày 22-7-2014, TAND tỉnh Đắc Lắc đã mở phiên tòa xét xử vụ án “Kiện Quyết định của Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắc Lắc”. Theo đó, tòa nhận định, việc BQL ban hành quyết định giải quyết lần thứ nhất và Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắc Lắc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của các hộ dân lần hai là trái với thẩm quyền, bởi lẽ: BQL là cơ quan trực thuộc Sở NNPTNT tỉnh Đắc Lắc, không phải là cơ quan hành chính Nhà nước nên không có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Mặt khác, theo quy định tại Điều 62, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 về quy định quyền và nghĩa vụ của BQL rừng phòng hộ không có quyền hạn giải quyết khiếu nại. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 19, Luật Khiếu nại thì “Thủ trưởng cơ quan thuộc sở và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết khiệu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình”. Chính vì vậy, TAND tỉnh Đắc Lắc đã quyết định hủy hai Quyết định số 1308/QĐ-SNN và số 1335/QĐ-SNN của Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắc Lắc.
Tìm hiểu trên thực tế, cũng như trên cơ sở phán quyết của TAND tỉnh Đắc Lắc trong vụ tranh chấp rừng trồng này, chúng tôi cho rằng, UBND tỉnh Đắc Lắc cần vào cuộc, khẩn trương có biện pháp khắc phục hậu quả Quyết định số 2572/QĐ-UBND, ngày 3-10-2008 của UBND tỉnh về việc thu hồi 568,43 ha đất của BQL để giao cho Công ty Trường Thành thuê thực hiện dự án trồng rừng, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 28 hộ dân trồng rừng. Cụ thể, UBND tỉnh Đắc Lắc cần hủy bỏ, hoặc sửa đổi Quyết định số 2572/QĐ-UBND theo hướng đưa 486ha rừng của 28 hộ dân trồng ra khỏi diện tích đất cho Công ty Trường Thành thuê, tạo điều kiện cho các hộ dân trồng, chăm sóc, hưởng lợi từ rừng theo đúng chính sách hiện hành.
Bài và ảnh: Nguyên Bình