Khói bốc lên sau một vụ nổ ở Kabul (Afghanistan), sau một vụ nổ.

Đã hơn 17 năm kể từ khi Mỹ phát động cuộc tấn công vào Afghanistan nhằm lật đổ lực lượng Taliban, nhưng cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và đồng minh ở đây lại rơi vào một vòng luẩn quẩn khi Mỹ thay vì đánh thì lại phải xin đàm với chính Taliban.

Hơn 2.400 binh lính Mỹ đã thiệt mạng trong khi thực hiện nhiệm vụ ở Afghanistan từ năm 2001. Taliban, một thế lực khủng bố khét tiếng với  nhiều tội ác man rợ với chính người dân Afghanistan, lúc đầu được Mỹ loan tin đánh cho tan tác thì nay lại kiểm soát gần một nửa lãnh thổ của Afghanistan. Taliban vẫn tiếp tục tấn công khủng bố và công khai thừa nhận đã thực hiện các vụ tấn công vào lực lượng Chính phủ Afghanistan và người dân. Vậy nhưng, chuyện lạ là Mỹ lại có vẻ háo hức muốn được đàm phán với lực lượng được Mỹ cho là khủng bố này. Trên thực tế, bảy vòng đàm phán giữa Mỹ và Taliban đã được thực hiện.

Ngày 6-7, đặc phái viên của Mỹ tại Afghanistan - Zalmay Khalilzad đã đánh giá cao vòng đàm phán thứ 7 này, coi đây là vòng đàm phán hiệu quả nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, ông Khalilzad cho biết ông có thể báo cáo về những tiến bộ “thực chất” đối với 4 vấn đề quan trọng của một thỏa thuận hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài 17 năm ở Afghanistan. Phía Mỹ cho biết các cuộc đàm phán với Taliban đã được mở rộng, trong đó có việc đặt ra mốc thời gian cho các cuộc đàm phán nội bộ của Afghanistan cũng như một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, quyết định chương trình nghị sự cho các cuộc đàm phán cũng như các điều khoản của lệnh ngừng bắn sẽ tùy thuộc vào phía Afghanistan.      

Tại sao Mỹ phải đàm phán với Taliban? Có hai lý do chính. Thứ nhất, Taliban giờ là một lực lượng mạnh ở Afghanistan hiện nay. Thứ hai, Mỹ đang muốn rút quân khỏi Afghanistan vì cuộc chiến dai dẳng, tốn kém ở đây nhưng rút thì Mỹ lại muốn rút quân trong danh dự. Lý do thứ hai quan trọng hơn cả vì nếu có được lý do để có “danh dự rút quân” đó, chắc chắn Mỹ sẽ rút quân và để lại sau lưng một Afghanistan muốn ra sao thì ra.

Xem ra, bản thỏa thuận hòa bình mà Mỹ đang tìm kiếm khó có thể đạt được vì nó sẽ phải là một thỏa thuận kép: Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban rồi sau đó là thỏa thuận giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan.

Nói thỏa thuận trên khó đạt được bởi trong khi đặc phái viên của Mỹ ca ngợi vòng đàm phán lần thứ 7 vừa qua ở Qatar với Taliban thì liên tục diễn ra các vụ tấn công khủng bố của Taliban ở Afghanistan. Ngay hôm 7-7, người phát ngôn Taliban cho biết các tay súng của lực lượng này đã thực hiện vụ đánh bom xe sáng cùng ngày gần khu phức hợp của Ban điều hành an ninh quốc gia (NDS) tại T.P Ghazni, vào giờ cao điểm buổi sáng. Người phát ngôn chính quyền tỉnh, ông Aref Nuri cung cấp số liệu cho thấy 12 người đã thiệt mạng, trong đó có 8 nhân viên an ninh và 4 dân thường, và hơn 50 người bị thương. Ông Nuri cũng cho biết con số thương vong có thể tiếp tục tăng cao.

Mỹ đánh giá vòng đàm phán thứ 7 vừa qua “là tích cực nhất với Taliban. Taliban “đưa ra nhận xét” bằng các vụ tấn công đẫm máu. Mỹ đánh Taliban suốt hơn 17 năm bởi Taliban là lực lượng khủng bố, giờ Mỹ lại muốn đàm phán nhằm có cớ “rửa mặt” để rút quân khỏi đất nước đau thương này. Vòng luẩn quẩn đánh - đàm, chiến tranh - hòa bình, can thiệp nước ngoài - mâu thuẫn nội bộ ở Afghanistan sẽ khó có thể kết thúc khi đất nước giàu tài nguyên này vốn tự nhiên đã bị chia cắt bởi các thủ lĩnh của từng khu vực nay lại phải đối mặt với khủng bố, can thiệp nước ngoài, tham nhũng, nội chiến và nhiều nghịch lý khác. Sự can thiệp của Mỹ ở đây chưa làm Afghanistan trở nên an toàn hơn, chưa có thỏa thuận ngừng bắn hay hòa bình vĩnh viễn. Do vậy, “hòa bình trong danh dự” ở Afghanistan là điều Mỹ cũng khó đạt được.

Ngọc Hưng