Những ngày này của năm 1972 (từ 21-6 đến 16-9), tại thị xã - Thành cổ Quảng Trị đã diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt trong 81 ngày đêm “Mùa hè đỏ lửa” giữa Quân giải phóng, quân dân Quảng Trị với quân ngụy Sài Gòn. Bị mất thị xã - Thành cổ Quảng Trị vào tay Quân giải phóng, Mỹ-ngụy đã tập trung lực lượng, dùng phi pháo, máy bay B52 trút xuống đây một lượng bom đạn có sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản trong đại chiến thế giới thứ II-1945. Nhưng với tinh thần chiến đấu “còn người, còn trận địa” của những tấm lòng quả cảm, ý chí và nghị lực phi thường của quân và dân ta tại Quảng Trị, mà đỉnh cao là 81 ngày đêm tại Thành cổ, cùng với thắng lợi trên chiến trường miền Nam và 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” ở Thủ đô Hà Nội đã buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Pa-ri về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27-1-1973…
Sau khi Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 toàn quốc được thành lập, ngày 30-10-2013, UBND TP Đà Nẵng có Quyết định số 7535/QĐ-UBND thành lập Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (CSBVTCQT) tại TP Đà Nẵng. Theo đó, Thành hội Đà Nẵng đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, bầu ra BCH nhiệm kỳ 2013-2018. Thiếu tá Phạm Văn Hải, (nguyên cán bộ đặc công tại Thành cổ Quảng Trị) được bầu làm Chủ tịch Hội CSBVTCQT TP Đà Nẵng. Ông Hải cho biết: Hội thành lập thực hiện theo tôn chỉ, mục đích: Tập hợp những cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong những ngày bảo vệ Thành cổ Quảng Trị hiện đang sống và làm việc tại TP Đà Nẵng. Hoạt động của Hội là tập hợp, đoàn kết hội viên nhằm động viên hội viên hỗ trợ nhau trong cuộc sống, tham gia hoạt động nghĩa tình đồng đội, tri ân liệt sĩ; tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ hi sinh trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, khơi dậy truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Từ sau Đại hội đến nay, thông qua nguồn kinh phí vận động tự nguyện của hội viên, Hội đã hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa cho mẹ VNAH Ngô Thị Lạng, ở thôn Giáng Đông, xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang. Đến cuối năm 2014, Hội hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách. Đối với Hội CSBVTCQT, đã tổ chức ba đợt cho BCH và các hội viên đi tham quan một số địa danh lịch sử tại Điện Biên Phủ, thắp hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; thăm lại chiến trường xưa, thắp hương tri ân đồng đội tại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. BCH đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của các gia đình liệt sĩ, thương binh nặng; thăm viếng hội viên ốm đau và sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để hội viên còn hoàn cảnh khó khăn làm kinh tế ổn định cuộc sống. Nhiều hội viên là những thành viên tích cực tham gia công tác giáo dục thế hệ trẻ, quản lý giúp đỡ thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, vận động người thân, ngư dân ra khơi bám biển, kết hợp với tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo và các phong trào khác tại địa phương…
Đã 42 năm đi qua, những ký ức chiến tranh một thời “Mùa hè đỏ lửa” của quân và dân ta như vẫn còn đọng nơi đây. Tinh thần đoàn kết chiến đấu giữa quân và dân ta để bảo vệ Thị xã - Thành cổ Quảng Trị năm 1972 là bản thiên anh hùng ca bất diệt, được quân dân cả nước ghi nhớ, lịch sử ghi nhận.
Bài và ảnh: Nhân Mùi