Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng kết mạc viêm gây ra bởi vi khuẩn hoặc vi rút với biểu hiện là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người đã bị đau mắt đỏ vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh thường ngứa cộm như có hạt bụi trong mắt; mắt đỏ, tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt, mi mắt sưng nề, đau nhức. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị mệt mỏi, sốt nhẹ ,đau họng, ho, nổi hạch sau tai…

Bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi ho hoặc hắt hơi; qua đồ dùng cá nhân khăn tay; qua nước bị nhiễm khuẩn. Bệnh dễ lây ở trường học, trong gia đình.

Bệnh đau mắt đỏ nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng, ảnh hưởng đến giác mạc, gây làm giảm thị lực. Ở cả trẻ em và người lớn, bệnh đau mắt đỏ có thể gây viêm giác mạc, loét giác mạc dẫn đến mù lòa.

Hầu hết, bệnh nhân đau mắt đỏ có thể chữa khỏi trong 7-10 ngày. Tuy nhiên thời gian khỏi bệnh phụ thuộc vào mức độ đáp ứng thuốc, giải pháp điều trị và nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ tái nhiễm cao. Đến nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh, thuốc điều trị đặc hiệu. Người bị đau mắt đỏ rồi có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Để phòng bệnh đau mắt đỏ, chúng ta cần có biện pháp phòng ngừa, sau đây là những việc cần làm và cần tránh để hạn chế bệnh đau mắt đỏ.

Việc cần làm: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang; vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh đau mắt đỏ; người bệnh hoặc nghi ngờ đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

Việc cần tránh: Khi bị đau mắt đỏ nhưng chậm trễ đi khám, làm cho phản ứng viêm ở mắt kéo dài và ngày càng tăng thêm; sử dụng khăn lông lau mặt để lau nước mắt và nghèn dính làm tác nhân gây đau mắt đỏ lưu lại trên khăn và dễ lây cho người khác; tự ý mua thuốc nhỏ mắt, sử dụng thuốc kháng sinh; tự chữa bằng mẹo dân gian như dùng lá cây đắp vào mắt; dùng kính áp tròng và mỹ phẩm trang điểm khi điều trị; sử dụng nhiều loại đồ ăn có tính chất gây tiết dịch ở mắt; chủ quan về không gian sống, không dọn dẹp nhà cửa…

Viêm kết mạc không phải là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng như trầy xước giác mạc hoặc thậm chí mất thị lực. Vì vậy, khi thấy những biểu hiện mắt có tia đỏ, ngứa cộm, chảy nước mắt, nhiều ghèn, người dân cần đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được điều trị kịp thời và đúng cách.

                                                                                             Thành An