Theo nhận định của Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam, hoạt động buôn lậu trên vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ta mỗi năm gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí; gây thiệt hại cho sản xuất trong nước và là một thách thức đe dọa trực tiếp tới an ninh trên biển. Đại tá Trần Nam-Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam cho biết: “Các hoạt động buôn lậu trên biển ngày càng diễn biến phức tạp và đấu tranh chống buôn lậu trên biển cũng khó khăn gấp bội. Để bắt quả tang được các vụ buôn lậu trên biển, các tổ công tác phải đi xa bờ hàng trăm hải lý. Đặc biệt, các đối tượng đều hành động vào đêm tối, thời tiết khắc nghiệt và sóng lớn. Một tổ công tác chống buôn lậu theo dõi chuyên án có thể kéo dài ròng rã vài tháng trời. Họ phải lênh đênh trên biển theo tàu của ngư dân để trinh sát và nắm được quy luật của các kẻ buôn lậu. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là tạo yếu tố bất ngờ để bắt quả tang đối tượng, tiếp cận tàu, bắt giữ và áp tải đối tượng nhiều ngày về đất liền. Chưa kể, việc buôn lậu trên biển liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều ngành như xuất nhập cảnh, cấp phép sử dụng phương tiện, đăng ký con người hoạt động trên tàu hay việc cung ứng dầu trên biển cho ngư dân vươn khơi bám biển, đánh bắt ở các ngư trường thủy sản..”.
Trong khi đó, các đối tượng buôn lậu trên biển tỏ ra ngày càng manh động, liều lĩnh, sử dụng nhiều thủ đoạn để né tránh, chống trả cơ quan chức năng. Những con tàu tham gia vào việc buôn bán dầu lậu chẳng hạn, nhìn bên ngoài không khác gì những con tàu đánh cá thông thường, nhưng được trang bị rất kỹ lưỡng với đầy đủ hệ thống bể chứa, ống dẫn, vòi bơm… để chuyển dầu khối lượng lớn từ những kẻ cung cấp giấu mặt cho các đầu nậu người Việt tiêu thụ tiếp cho các tàu cá hoặc mang về đất liền. Với hệ thống đường ống và những bơm chuyên nghiệp thì thực chất các con tàu này giống như những trạm xăng dầu lưu động trên biển. Chưa hết, Thượng tá Lương Đình Hưng-Phó tư lệnh Pháp luật Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3 chia sẻ thêm: “Chúng còn ma lanh” dùng những người có địa vị tại địa phương để can thiệp, hợp thức hóa đơn chứng từ, tìm cách mua chuộc lực lượng chức năng. Đây cũng là một lĩnh vực nhạy cảm, giải quyết không linh hoạt, khéo léo rất dễ ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị của địa phương”. Chính vì vậy, Bộ Tư lệnh CSB rất chú trọng công tác quản lý nội bộ, coi trọng công tác giáo dục chính trị thường xuyên cho bộ đội. Khi sử dụng lực lượng vào một vụ việc đặc biệt, đơn vị thường lựa chọn những lực lượng phối hợp với nhau trong tổ công tác (trinh sát viên, cảnh sát viên, trinh sát phòng chống tội phạm ma túy, cán bộ tàu-xuồng, lái xe...) để vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, vừa tạo ra cơ chế quản lý, giám sát chéo nhau, hạn chế thấp nhất những rủi ro, lộ lọt thông tin nghiệp vụ. Trong những chuyên án như thế, đã có những chiến sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ gian khổ và thầm lặng này. Điển hình, ngày 20-6-2015, trong khi kiểm tra con tàu nghi vấn mua bán, vận chuyển trái phép dầu diesel, Thượng úy Phạm Văn Huy-nhân viên Phòng Trinh sát, Vùng CSB 1 bị những cơn sóng lớn nhấn chìm xuống biển và đã anh dũng hi sinh.
Khẳng định được vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách của Nhà nước trong quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm thực thi pháp luật trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc, Lực lượng CSB Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: 7 Huân chương Chiến công các hạng; 5 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng, đặc biệt, danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới. Đóng góp vào thành tích chung đó là những chiến công, thành tích các cán bộ, chiến sĩ CSB Việt Nam đang ngày đêm kiên quyết tấn công tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại, vì sự bình yên trên biển.
Duy Quang