Nguồn sống của NCT Việt Nam khá đa dạng: từ lao động của chính bản thân NCT (30%), lương hưu, trợ cấp và của cải tích lũy từ khi còn trẻ và do con cháu chu cấp (39,3%)… Có sự khác biệt đáng kể giữa NCT thành thị và nông thôn về nguồn sống từ lương hưu, trợ cấp hoặc tự lao động để kiếm sống. Lương hưu hoặc trợ cấp là nguồn sống chính của 35,6% NCT ở thành phố, trong khi chỉ có 21,9% NCT ở nông thôn được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp. Tự lao động để kiếm sống là cách của 35,2% NCT ở nông thôn, trong khi chỉ có 17,5% NCT ở thành phố phải làm như vậy. NCT thành thị có lương hưu hay trợ cấp và tích lũy cao hơn 1,5 lần so với NCT nông thôn, ngược lại nguồn sống của NCT nông thôn từ lao động của chính mình cao hơn gấp 2 lần NCT thành thị.
Trong những năm vừa qua, đời sống vật chất và tinh thần của NCT được cải thiện cùng với sự phát triển của đất nước. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 1,3 triệu đối tượng hưởng chính sách bảo trợ của Nhà nước, cộng thêm hằng năm có khoảng 1 triệu người cần cứu trợ đột xuất do thiên tai, 27.000 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại 317 cơ sở bảo trợ xã hội và hàng trăm mái ấm tình thương có chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.
Tuy nhiên, việc thực thi chính sách an sinh xã hội (ASXH) cho NCT còn một số hạn chế. Với hơn 9 triệu NCT trên cả nước, hệ thống chính sách ASXH ở nước ta mới hỗ trợ nâng cao đời sống cho một phần nhỏ NCT: gần 2,97 triệu người được hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội, trong đó, khoảng 1,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; có 680 nghìn người hưởng chính sách đối với người có công; gần 890 nghìn người thuộc diện chính sách trợ cấp xã hội. Dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe công lập không đảm bảo được nhu cầu khám chữa bệnh của NCT; trình độ của các bác sỹ còn hạn chế… Mặt khác, theo ước tính của Ủy ban quốc gia NCT, tỷ lệ NCT ở Việt Nam sẽ là 16% vào năm 2020 và tiếp tục gia tăng những năm sau đó. Nhu cầu thăm khám, chữa bệnh tăng lên, tuy nhiên sau hơn 1 năm triển khai Thông tư số 35/2011/TT-BYT, thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, cả nước mới có 28 bệnh viện ở tỉnh và TƯ thành lập Khoa Lão khoa, còn nhiều bệnh viện chưa triển khai. Mặc dù gánh nặng bệnh tật đối với NCT Việt Nam là khá lớn khi có tới 95% NCT có bệnh nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng y tế, chưa phát triển kịp với sự gia tăng nhanh chóng của NCT và yêu cầu được chăm sóc của họ.
Nhằm khắc phục những bất cập vẫn còn tồn tại trên, trong Chiến lược ASXH từ nay đến 2020, Đảng và Nhà nước tiếp tục coi bảo đảm ASXH nói chung, đặc biệt là nhóm đối tượng NCT là một nhiệm vụ chủ yếu thường xuyên với quan điểm "tăng trưởng kinh tế kết hợp hài hoà với tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao không ngừng chất lượng cuộc sống của nhân dân; phát triển hệ thống ASXH đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả". Với NCT, mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đạt được: 100% NCT khi ốm đau được khám, chữa bệnh và hưởng chăm sóc của gia đình, cộng đồng; 90% tổng số bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa tổ chức buồng khám bệnh riêng cho NCT tại khoa khám bệnh, bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho NCT và 100% các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh có khoa lão khoa; 100% cơ quan phát thanh, truyền hình cấp TƯ và địa phương có chuyên mục về NCT tối thiểu 1 lần/tuần và trên 2 triệu NCT được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc nuôi dưỡng tập trung trong các cơ sở chăm sóc NCT.
Dương Sơn