Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.

(Báo tháng 8) -Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, lại được trao vào đúng ngày 19-8-1958; do chính Bác Hồ trao tặng. Tính đến nay vừa tròn 60 năm.

Trưởng thành từ người lính thợ, cho đến khi trở thành Chủ tịch nước, đồng chí Tôn Đức Thắng đã nêu tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, suốt đời vì Dân vì Đảng.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Bác Tôn là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân, là di sản tinh thần quý báu làm rạng rỡ truyền thống cách mạng của Đảng, của Dân tộc.

Bác Tôn sống, gắn bó thân thiết bên cạnh Bác Hồ suốt 23 năm (1946 - 1969). Đây là giai đoạn gian khổ nhất, khó khăn nhất, hy sinh nhiều nhất của cách mạng nước ta mà Bác Hồ và Bác Tôn cùng đồng càm cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi với dân với Đảng, cùng gánh vác trọng trách do dân ủy thác, do Đảng phân công, tận tâm tận lực vì dân vì nước, tuyệt đối không màng danh lợi.

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến thăm Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), đơn vị bắn rơi máy bay F111A của Mỹ ngày 22-12-1972.

Bác Tôn mang hình ảnh của Bác Hồ, nhưng khi ai xưng hô, gọị Bác Tôn là Bác, thì Bác Tôn lại nhẹ nhàng nói nhỏ với người ấy bằng câu nói tự đáy lòng: “Từ Bác chỉ nên dành riêng để gọi Bác Hồ thôi. Nó thiêng liêng và cao quý lắm, đó là tình cảm mà tất cả chúng ta, mọi người trong nước cũng như bạn bè quốc tế dành cho Bác Hồ. Còn với tôi, gọi là đồng chí là được rồi…”.

Có lần Bác Tôn nói với đồng chí thư ký riêng: “Mình với Bác Hồ có giống nhau cũng vì cùng là người thợ. Nhưng mình chỉ bằng Bác Hồ được về mặt lao động thôi. Về chính trị cũng như về văn học, mình không sánh được. Bác Hồ là bậc thầy về mọi mặt”. Lời tâm sự ấy của Bác Tôn cho thấy sự chân thành và đức khiêm tốn của Bác Tôn.

Khi Bác Hồ mất, Bác Tôn thay Bác ở cương vị Chủ tịch nước. Gánh vác trọng trách do dân ủy thác, do Đảng phân công, Bác Tôn đã tận tâm, tận lực vì dân vì nước, tuyệt đối không màng danh lợi. Bác Tôn là hiện thân của đức hy sinh, đặt việc dân, việc nước lên trên hết, trước hết, một đời cần kiệm, một đời liêm chính “dĩ công vi thượng” và “quang minh chính đại”.

Bác Tôn là người của hành động, nên thường kiệm lời, không bao giờ nói về mình, không bao giờ đòi hỏi thụ hưởng riêng tư, thậm chí từ chối không nhận cho mình và gia đình những sự quan tâm vật chất mà tổ chức muốn dành cho Bác trong những năm tháng tuổi già.

Ở cương vị nguyên thủ quốc gia từ sau khi Bác Hồ qua đời, vậy mà Bác Tôn lúc nào cũng chỉ biểu hiện mình như một con người bình thường, ham làm việc, ham lao động, đúng với chất thợ, chất công nhân của Bác, không bao giờ rơi vào “chủ nghĩa lãnh tụ” kể cả khi đã “quyền cao, chức trọng”.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động cho thấy đời sống đạo đức thanh cao của Bác Tôn qua lời kể của những thư ký giúp việc, những cán bộ nhân viên trong cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, mà cho đến nay, đã qua mấy thập niên, mọi người vẫn còn kể lại cho nhau nghe, thuộc làu như những bài học về nhân cách người cán bộ cần có.

Là Chủ tịch nước mà Bác Tôn vẫn chỉ thích đi xe đạp, thậm chí còn tự mình sửa xe đạp, rồi sửa giúp cho cả cán bộ, nhân viên. Nhà sử học Trần Bạch Đằng - nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn đã viết: “Trong “gia tài” của Bác Tôn để lại cho chúng ta, hiểu theo nghĩa hiện vật, quan trọng nhất vẫn là bộ đồ nghề gồm đủ kìm, búa, mỏ lết… được Bác bảo quản, trân trọng giống người bạn đường thân thiết, ngay khi Bác đã là Chủ tịch nước”.

Bác Tôn với đoàn đại biểu thanh niên “Năm xung phong” miền Nam, do các Anh hùng Lực lượng vũ trang miền Nam dẫn đầu ra dự Đại hội Thanh niên “Ba sẵn sàng” toàn miền Bắc, tại Phủ Chủ tịch, ngày 12-5-1973.

Còn đồng chí Lê Hữu Lập - nguyên Thư ký của Chủ tịch Tôn Đức Thắng thì kể lại trong hồi ký: “Một lần đồng chí Lê Duẩn đến thăm Bác Tôn ở Đồ Sơn, thấy Bác đi nghỉ có một mình, đồng chí Lê Duẩn nói với tôi: “Bác có cô cháu gái là bác sĩ có đứa cháu nhỏ ba, bốn tuổi, đưa nó về để đi đâu có đứa cháu nhỏ cho Bác vui”. Tôi nói với Bác. Bác bảo, nó phải làm việc của nó. Đi theo tôi sau này nó làm gì để sống?”.

Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện mà bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - bác sĩ riêng cho Bác Tôn kể lại, trong chuyến sang Cộng hòa Dân chủ Đức, Bác Tôn nhờ bác sĩ Nghiệp viết giúp bài phát biểu ngắn để Bác đọc tại lễ chúc thọ Chủ tịch nước CHDC Đức. Đưa bản thảo cho Bác Tôn duyệt thì thật lạ lùng, bác sĩ Nghiệp đã được Bác Tôn sửa văn và sửa rất chính xác. Mặc dù bác sĩ Nghiệp tốt nghiệp y khoa tại Paris, nói và viết tiếng Pháp dễ dàng như tiếng mẹ đẻ. Đó là câu “Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình”, bác sĩ Nghiệp viết “Le peuple Vietnamien aimant la paix”, Bác Tôn đã dùng bút đỏ sửa “aimant la paix” ra “espris de paix” rất nhiều…

Nghe những người làm việc với Bác kể lại như vậy, mỗi chúng ta đều thấm thía, càng ngưỡng mộ và kính trọng Bác Tôn. Sự bình dị và đức tính khiêm nhường của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - vị Chủ tịch nước trưởng thành từ một người thợ máy, từ một công nhân bình thường và suốt đời mang cốt cách lao động của người thợ, thấm đẫm bản chất công nhân mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi là “Chất người Tôn Đức Thắng”; “Nét tinh túy nhân văn Tôn Đức Thắng”, cho ta thêm một lần cảm nhận về Bác Tôn - một nhân cách lớn.

Con người hành động của Bác Tôn là vậy, là hiện thân của một phương châm sống và làm việc “nói ít làm nhiều”, “đã nói thì phải làm”, “lời nói đi đôi với việc làm”. Với Bác Tôn, tư tưởng nằm sâu, ẩn kín trong hành động, tư tưởng mà vô ngôn.

Tấm gương sáng và bài học lớn từ đạo đức và nhân cách của Bác Tôn cũng chính là tâm nguyện của Bác Hồ như lời thôi thúc khiến mỗi chúng ta phải nghĩ lại, sửa lại những sai sót để đất nước không rơi vào tồn vong.

GS,TS Hoàng Chí Bảo