Thật không quá bất ngờ khi ông B. Ô-ba-ma sớm đưa ra quyết định “nước chưa đến chân đã nhảy” của mình. Sự thực những lời hứa về bốn năm điều hành đất nước, những cam kết “thay đổi” mà ông đưa ra vẫn còn xa vời.

Nhận định về cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ, các nhà phân tích đều dự đoán, hiện trạng kinh tế sẽ là vấn đề hàng đầu chi phối sự kiện chính trị này. Cuộc chạy đua giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ được quyết định dựa trên những nhận định của cử tri về hiện trạng nền kinh tế, nợ nần, chi tiêu cũng như cách thức giải quyết vấn đề này của mỗi đảng. Thực tế, chính sách kích thích tài chính đã không mang lại kết quả như mong muốn, tỷ lệ thất nghiệp không giảm. Giới quan sát lo ngại nguy cơ mức trần nợ công của Mỹ (hiện là 14,29 nghìn tỷ USD) khó có thể được nâng đúng hạn chót, ngày 2-8 tới. Nếu điều này xảy ra, nền kinh tế Mỹ sẽ bị chao đảo; đồng thời là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế toàn cầu. Một kết quả thăm dò tại Mỹ công bố, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống B.Ô-ba-ma hiện là 47%. Gần 2/3 số người được hỏi bày tỏ sự không bằng lòng với cách điều hành kinh tế của vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Thực trạng nợ nần cũng rất đáng lo ngại, các món nợ khổng lồ và những cam kết tài chính cao có thể dẫn đến việc thâm hụt ngân sách quốc gia chiếm tới 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Văn phòng Ngân sách QH Mỹ (CBO) cho biết, thâm hụt ngân sách liên bang lên tới 1,34 nghìn tỷ USD trong tài khóa 2010, tương đương 9,1% GDP của Mỹ và là mức thâm hụt lớn thứ hai của Mỹ trong vòng 65 năm qua. Trong khi đó, đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng áp đảo tại Hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ với tỷ lệ 239/186 trên tổng số 435 ghế. Quyền kiểm soát Thượng viện vẫn nằm trong tay đảng Dân chủ với tỷ lệ sít sao: 53/47.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, trong hơn hai năm cầm quyền, Tổng thống Ô-ba-ma đã ghi được những “điểm vàng” trong chính sách đối ngoại như: rút quân và kết thúc cuộc chiến tại I-rắc; khởi động lại chính sách đàm phán hòa bình Trung Đông; sự trở lại của Mỹ tại Đông Nam Á; thắt chặt quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga; răn đe I-ran, tăng cường chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan… Vị thế của Tổng thống Ô-ba-ma không chỉ cải thiện trong chính sách ngoại giao mà cả chính sách kinh tế. Người dân Mỹ ủng hộ ông trong vai trò lãnh đạo nền kinh tế, bất chấp sự phục hồi chậm chạp của Mỹ sau giai đoạn suy thoái.

Có thể nói rằng, chiến dịch tiêu diệt thành công trùm khủng bố Bin La-đen là một cú hích lớn và đúng lúc, giúp ông lấy lại uy tín và tranh thủ sự ủng hộ của người dân trước thềm cuộc đua vào ghế tổng thống năm tới. Hơn nữa, ngoài các dự luật siết chặt cấm vận kinh tế với I-ran, các "thử nghiệm" mới với Pa-ki-xtan trong cuộc chiến chống khủng bố và mối quan tâm hướng về châu Á; đồng thời củng cố quan hệ nền tảng với châu Âu cùng với sự cổ súy cho làn sóng nổi dậy chưa từng có trong thế giới Ả-rập tại Trung Đông và Bắc Phi xem ra cũng đã mang lại lợi thế không gì có thể so sánh cho Tổng thống Mỹ trước các đối thủ. Sự can dự có giới hạn của Mỹ vào cuộc chiến ở Li-bi là một điển hình cho chiến lược mới của Tổng thống B.Ô-ba-ma ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Một mặt cho rằng can thiệp quân sự là cần thiết để bảo vệ nguyên tắc chính sách đối ngoại Mỹ, nhưng Tổng thống B.Ô-ba-ma có được kinh nghiệm từ I-rắc và Áp-ga-ni-xtan đã không mạo hiểm can thiệp quân sự sâu hơn vào Li-bi. Sự bằng lòng chưa từng có của người Mỹ khi để Anh, Pháp, I-ta-li-a và thậm chí cả Ca-na-đa khơi mào cho một cuộc can thiệp quân sự tại đất nước dầu mỏ của châu Phi là một nước cờ khôn ngoan khi nước Mỹ vừa bước vào thời điểm chạy đua cho năm bầu cử tổng thống 2012 mà ông B.Ô-ba-ma đặt tham vọng tái cử và đang cho ứng viên số 1 cuộc đua tranh nhiệm kỳ tổng thống thứ 45 của Mỹ một bối cảnh đối ngoại khá sáng sủa.

Nhìn tổng thể, trước những khó khăn trên nhiều mặt trận thì việc điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại là một tất yếu với chính quyền đương nhiệm của Tổng thống B.Ô-ba-ma. Lịch sử nước Mỹ cho thấy, đảng của tổng thống thường bị mất nhiều ghế quốc hội trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ. Cũng như vậy, hiện hai mối quan ngại lớn nhất của cử tri Mỹ là tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ lớn, số người thất nghiệp vẫn cao. Vì thế, vượt lên những bộn bề ngổn ngang, người đứng đầu xứ Cờ hoa xem ra đang phải nỗ lực để chèo lái con thuyền Mỹ nhằm giữ vững ngôi vị số 1 trước mọi thách thức; nếu không, sự tham vọng tái cử của ông B.Ô-ba-ma vào năm 2012 sẽ là điều hết sức mong manh. Vì thế, cuộc đua vào ngôi vị ông chủ Nhà Trắng sẽ thực sự sôi động trên chính trường Mỹ. Ai sẽ chiến thắng và giành ghế tổng thống năm 2012? Tất cả vẫn còn là câu hỏi lớn khi thời gian diễn ra cuộc bầu cử còn khá dài.

THANH LÂM