Chủ tịch hỏi thêm từng chi tiết và được Đại tá Nguyễn Thành Dưng báo cáo: Trung đoàn pháo binh 68 (Đoàn B04) thành lập ngày 20-10-1955. Nơi đây là cái nôi của phong trào thi đua “Ba nhất” trong thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc. Năm 1965, Trung đoàn tách Tiểu đoàn 12 với 520 cán bộ, chiến sĩ, tháo rời 4 khẩu pháo 120 ly, 2 khẩu sơn pháo 75mm, 140 viên đạn cùng các loại quân tư trang, hành quân bộ vượt Trường Sơn, hết 6 tháng 24 ngày vào chiến trường miền Đông Nam Bộ (đơn vị tiền thân của Đoàn pháo binh Biên Hòa) chiến đấu cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Các đơn vị còn lại hoạt động trên chiến trường Nam Lào, Bình Trị Thiên, rồi mùa Xuân năm 1975, trong đội hình Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập, bắt sống nội các chính quyền Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn được tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND.
55 năm đã trôi qua, hôm nay (26-11-2010), Đoàn CCB Trung đoàn 68 gồm 47 thành viên, đại diện cho hơn 300 CCB ở gần khắp các tỉnh, TP trong cả nước, đã vào thăm Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Thật vui vì còn gần đủ ban chỉ huy đầu tiên của trung đoàn là Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Giá, 85 tuổi; Chính ủy Bùi Đình Kế, 84 tuổi và Tham mưu trưởng Nguyễn Trọng Qúy, 88 tuổi, ai cũng nhanh nhẹn, nghiêm ngắn trong bộ quân phục chính quy. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã chiến đấu và trưởng thành như Trung tướng Nguyễn Văn Thân, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI, Thiếu tướng Nguyễn Văn Côn, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, Anh hùng quân đội Thiếu tướng Mai Cương, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ, giáo sư Phạm Lượng, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, giáo sư Hồ Phúc, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm Hà Nội… Có lẽ trẻ nhất là anh Bùi Văn Tuấn, 58 tuổi, ở xã Giao Hà, Giao Thủy, Nam Định, nhập ngũ năm 1971, là lái xe của Ban Hậu cần trung đoàn. Anh Tuấn ra quân năm 1983, với mô hình kinh tế VAC, thu nhập mỗi năm 70 triệu đồng đã trở thành hội viên CCB làm kinh tế giỏi của địa phương. Anh ngập ngừng:” Được gặp Chủ tịch nước tôi thấy vinh dự quá”. Cũng ở Nam Định có CCB Nguyễn Thế Hà, 68 tuổi, 13 năm chiến đấu trong Trung đoàn 68, nghỉ hưu năm 1993, ông có 8 năm kế tiếp làm Phó chủ tịch hai phường Tràng Thi và Văn Miếu, TP Nam Định. Có một người mặc thường phục nhưng mang nhiều huân, huy chương là CCB Đào Kỳ, 82 tuổi, nhập ngũ năm 1950, sau đó là 7 năm làm cán bộ tác chiến Trung đoàn 68, năm 1967 đi học rồi ở lại làm giảng viên, chuyên viên giáo vụ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nghỉ hưu năm 1989 ông tham gia 2 khóa BCH Hội CCB phường Bách khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. CCB Lê Văn Hạng, 80 tuổi ở Nga Trường, Nga Sơn, Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1953, rồi tái ngũ vào Trung đoàn 68 chiến đấu tại miền Đông Nam Bộ từ năm 1965 đến năm 1974. Năm sau ông về nghỉ mất sức, làm chủ hai xưởng sản xuất bia và đồ mộc gia dụng, thu nhập mỗi năm khoảng 50 triệu đồng, ổn định kinh tế gia đình. Ông vui vẻ: “Ra Hà Nội lần này toại nguyện lắm rồi”… Trưởng ban liên lạc, Đại tá Nguyễn Thành Dưng, 70 tuổi; nhập ngũ năm 1960 tại Trung đoàn 68, năm 1965 cùng Tiểu đoàn 12 vào Nam chiến đấu rồi sang Đoàn pháo binh Biên Hòa. Nghỉ hưu năm 1996, ông tiếp tục tham gia Đảng ủy, Phó chủ tịch CCB phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), nay là bí thư chi bộ, chi hội trưởng CCB đường phố. Ông tâm sự: “Được gặp Chủ tịch nước hôm nay là cơ hội 55 năm có một”.
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tới tận nơi, bắt tay, thăm hỏi từng người và nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước hôm nay và mai sau mãi mãi biết ơn những cống hiến, sự hy sinh của đồng bào và chiến sĩ cả nước, trong đó có Trung đoàn 68 đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc; và sẽ làm hết sức mình để chăm lo cho những gia đình liệt sĩ, thương, bệnh binh, CCB, những người có công với nước và nạn nhân chất độc hóa học, người nghèo còn nhiều khó khăn. Hiện nay, công cuộc đổi mới đã giành được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử; tình hình hội nhập kinh tế quốc tế và vị thế của Việt Nam ngày càng được tăng cường và lớn mạnh nhưng cũng còn nhiều khó khăn, các đồng chí CCB không phải ra trận nữa, mà trở về đời thường cần phát huy bản chất truyền thống anh “Bộ đội Cụ Hồ”, noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch, người Anh Cả của quân đội để tiếp tục cống hiến, tiếp tục tham gia xây dựng quê hương đất nước giầu mạnh, dạy bảo con cháu thảo hiền. Chúng tôi tự hào về các đồng chí. Mỗi lần về vùng sâu, vùng xa, được các hội viên CCB và bà con chào đón thân tình, tôi mừng lắm và thấy được tình cảm ấy không chỉ với riêng tôi mà còn là với Đảng, với đất nước. Trong mỗi đồng chí vẫn vẹn nguyên trái tim anh bộ đội Cụ Hồ. Tôi xem đấy để làm sao sống sao cho tốt, cho có trách nhiệm với nhân dân, với Đảng ”.
Tô Kiều Thẩm