Vụ máy xét nghiệm sinh hóa tự động “đầu voi đuôi chuột” (vỏ ghi sản xuất tại CHLB Đức, nhiều bộ phận trong ruột sản xuất tại Trung Quốc và Việt Nam) xảy ra ở Sở Y tế Hà Nội chưa kịp lắng xuống thì đập của thủy điện Krel 2, xã Ia Krel, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai lại bị vỡ.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc gây thiệt hại cho ngân sách, cho nhân dân, thậm chí, là cả tính mạng con người. Thế nhưng, việc điều tra “thủ phạm” vẫn dừng ở mức “cơ sở”. Tức là, ai trực tiếp làm, người nấy chịu! Mà “quên” rằng để “thủ phạm” trực tiếp có cơ hội thực hiện hành vi phi pháp, còn có những đối tượng cấp cao hơn hoặc bao che, hoặc thiếu trách nhiệm. Nhưng, chả thấy ai từ chức!
Nhìn ra thế giới, chợt thấy, từ chức không phải là vấn đề gì quá nặng nề. Đó đơn giản chỉ là việc thể hiện lòng tự trọng của một người có trách nhiệm nhưng không làm tròn trách nhiệm.
Gần đây nhất, Thủ tướng Hàn Quốc, Chung Hong-won tuyên bố đệ đơn xin từ chức vì vụ chìm phà Sewol khiến cho gần 300 người tử vong hoặc mất tích. Còn trước đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, John Bryson từ chức sau khi có liên quan tới một vụ tai nạn giao thông. Ngày 27-2-2014, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ cũng đã từ chức sau vụ tai nạn tàu ngầm ngoài khơi bờ biển Mumbai khiến 2 thủy thủ mất tích và 7 người bị thương….
Việc từ chức ở nước ngoài đã được nâng lên thành văn hóa vì những quan chức này có lòng tự trọng và họ tự biết có sai sót của họ cho dù là gián tiếp và họ tự nguyện xin từ chức.
Trong khi ở ta, chuyện từ chức mới chỉ được nói đến trên bàn nghị sự. Dù nhiều lãnh đạo đã bị nhận xét là chưa hoàn thành nhiệm vụ, nhưng chả thấy ai từ chức.
Lòng tự trọng của cán bộ đâu rồi? Văn hóa từ chức đâu rồi?
Nguyễn Hải Bình