Dư luận trên diễn đàn văn học nghệ thuật nước ta nhiều trường hợp thường dựa theo cảm tính, thậm chí người ta còn bảo vệ nhau theo kiểu “băng nhóm, cánh hẩu” mà không khách quan nhìn vào bản chất đích thực của vụ việc.
Điển hình như một thời, thậm chí cả gần đây vẫn có không ít người đã ca ngợi, tung hô một chiều văn của Nguyễn Huy Thiệp, trong khi Nguyễn Huy Thiệp viết về chân dung người nông dân: “Chẳng có khuôn mặt nào đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ”; rồi: “lông chân như lông lợn”; trong truyện “Không có vua”, hành động loạn luân, bố chồng bắc ghế nhìn trộm cô con dâu tắm đã được biện minh: “Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con…”. Ghê sợ hơn nữa, trong truyện “Tướng về hưu”, con dâu của nhân vật chính là một bác sĩ sản khoa thường lấy xác thai nhi nấu cho chó ăn…
Có những điều mà những người bình thường khi nói tới ai cũng phải xấu hổ, nhưng trong truyện Nguyễn Huy Thiệp, tất cả đều được nói ra một cách tự nhiên. Chuyện bà cụ nói với bạn của đứa cháu: “Còn tôi, cả đời chỉ biết mỗi một... mang tiếng thủy chung đức hạnh… chẳng biết báu cho ai, chỉ biết về già sống lâu khổ con khổ cháu”; Ngoại tình luôn là chuyện động trời, còn trong truyện Nguyễn Huy Thiệp, chồng nói với vợ cứ như không: “Biết vợ hay phong tình, vẫn hay đi lại với nhiều người, ông giáo Quỳ cũng mặc, chỉ bảo: Cô ngủ với ai thì nhớ đòi tiền, không có tiền thì lấy thóc hay lấy lợn, vịt thế vào chứ đừng ngủ không”…
Bằng những cái nhìn “thản nhiên” đến vô trách nhiệm, thế mà thật đáng tiếc nhà văn Nguyên Ngọc, trong bài “Văn học Việt Nam đang ở đâu?” còn bảo vệ văn của Nguyễn Huy Thiệp thật “khéo léo”: “Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất ở Nguyễn Huy Thiệp… anh không lao mình vào dòng thác văn học phơi bày và tố cáo… Anh đã khởi xướng ra trong văn học Việt Nam hiện đại cái mà tôi muốn gọi là xu hướng tự vấn của xã hội và con người Việt Nam. Một luồng sinh khí mới, lành mạnh và sâu sắc được thổi vào văn học và đương nhiên, từ văn học vào xã hội…”.
Thực chất văn Nguyễn Huy Thiệp chỉ đơn giản là văn chương “phơi bày”; một sự phơi bày không “tố cáo”, không “nguyên nhân sơ khởi”; không “tự vấn”, không “tự soi”; đó chính là cái “độ không” (Le Degré zéro) mà Roland Barthes đã phê phán về cái thứ văn chương trung tính trong Le Degré zéro de l'écriture suivi de Nouveaux essais critiques mà Nguyên Ngọc đã dịch là “độ không của lối viết”, trong đó “de l'écriture” dịch là “lối viết” xem chừng không ổn.
Trong văn chương thế giới thực tế còn có nhiều chuyện còn ghê gớm hơn. Họ viết về phần tăm tối của con người để rung hồi chuông cảnh tỉnh, viết về cái ác với tấm lòng lương thiện chính là hướng người đọc về phía thiện.
Giống như một bệnh nhân cần bác sĩ, cái cơ thể xã hội cũng cần đến những bác sĩ, đó chính là những nhà tư tưởng và những nhà văn mà tác phẩm của họ có tầm tư tưởng.
Nhưng văn của Nguyễn Huy Thiệp không như vậy. Qua những dẫn chứng trên, Nguyễn Huy Thiệp thường xóa nhòa ranh giới giữa đúng sai, thiện ác bằng cái nhìn vô cảm của mình và bằng những hành động, lời nói mất nhân tính của các nhân vật.
Dù được nhà văn Nguyên Ngọc tán dương, Nguyễn Huy Thiệp cũng bị nhiều người phủ nhận. Nhà văn Hồ Phương cho Nguyễn Huy Thiệp có “cái nhìn xã hội thiên về đen tối” (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, tr.452). Đỗ Văn Khang: “Đặc biệt cái tâm mà không sáng thì không thể làm văn được”. Mai Ngữ cho Nguyễn Huy Thiệp: “đã lăng nhục cha ông, tổ tiên mình”. Tạ Ngọc Liễn: “càng kỳ quặc hơn khi cho rằng văn hóa Việt Nam (mà biểu tượng là Nguyễn Du) chỉ là đứa con hoang của nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp đẻ ra. Tôi không nghĩ tác giả luận điểm này là người mắc bệnh tâm thần nhưng đó không phải là sự suy tưởng của một đầu óc lành mạnh”. GS Trần Thanh Đạm cho Thiệp có “những ngôn luận xằng bậy đối với các văn hữu trong Hội Nhà văn thông qua các bài như: Hoa thuỷ tiên, Mổ nhà văn”; Bế Kiến Quốc: “Chỉ tiếc Thiệp không đi hướng thiện này, anh ta đi hướng ác, ác quá, cùn quá, lặp lại mình quá sẽ mất Thiệp”; Vọng Thanh: “cái ác của Nguyễn Huy Thiệp là từ tâm ác ra chứ không phải tưởng tượng ở trên giấy trắng mực đen đâu” (Văn nghệ TP Hồ Chí Minh).
Tôi đã tự hỏi cái gì đã làm nên giọng điệu của văn Nguyễn Huy Thiệp, cái chất thực dụng, lọc lõi, khinh bạc đến ghê người đó. Các cụ đã nói “văn là người”, triết học cũng chỉ rõ “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”, nguồn gốc là do “tâm” của Nguyễn Huy Thiệp không sáng.
N.V Đông La