Vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer.

Nghèo thì khó đủ thứ nhưng thứ không thể thiếu với bất kỳ người dân nào trên thế giới lúc này là vaccine ngừa Covid-19. Trước tin vui nhiều công ty đã bào chế thành công vaccine và một số nước đã bắt đầu triển khai tiêm phòng thì lại có cả những tin buồn. Buồn vì các nước giàu đã nhanh tay “đặt hàng” trước và nước nghèo thì chưa có tiền mua mà có mua thì cũng “xếp hàng” tới năm 2022. Đã thế, các dữ liệu về phát triển vaccine còn bị tin tặc “cuỗm” mất gây hoang mang dư luận.

Trước hết, hãy bàn tới cái khó của nước nghèo. Theo Liên minh vaccine cho mọi người (khuôn khổ hợp tác gồm nhiều tổ chức ủng hộ việc tiếp cận vaccine công bằng với chi phí thấp), có tới 90% người dân ở hàng chục quốc gia nghèo có thể không được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021, nguyên nhân là các nước giàu đang dự trữ một lượng vaccine lớn hơn nhiều so với nhu cầu. Ngày 9-12, liên minh này cho biết: Tính đến hết tháng 11-2020, các nước giàu, chỉ chiếm 14% dân số toàn cầu, nhưng đã mua tới 53% tổng số vaccine tiềm năng nhất. Số lượng vaccine các quốc gia giàu đã mua gấp tới ba lần con số họ cần để chủng ngừa cho toàn dân. Trong khi đó, tại 67 quốc gia thu nhập thấp và trung bình, chỉ có 1/10 dân số có khả năng tiếp cận với vaccine trong năm nay. Trong số 3 loại vaccine tiềm năng nhất hiện nay, các nước giàu đã mua phần lớn vaccine do Moderna và Pfizer/BioNTech phát triển. Riêng Hãng AstraZeneca cùng với Đại học Oxford đã cam kết cung cấp 64% lượng vaccine sản xuất được cho các nước đang phát triển, tuy nhiên con số này chỉ đáp ứng được cho khoảng 18% dân số thế giới trong năm tới.

Không phải người dân nước nghèo không được quan tâm. Để giải quyết lo ngại đối với việc phân phối công bằng vaccine Covid-19, đã có nhiều chương trình, sáng kiến giúp các nước nghèo có khả năng tiếp cận vaccine, nổi bật là sáng kiến chia sẻ vaccine Covax do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh sẵn sàng đối phó đại dịch (Cepi) và Liên minh vaccine toàn cầu (Gavi) đồng bảo trợ. Theo đó, Covax đề ra mục tiêu sản xuất 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021, chủ yếu cung cấp cho khoảng 20% dân số nằm trong diện dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19 tại hơn 100 quốc gia tham gia vào sáng kiến này. Trong số này, các nước giàu có đóng góp tài chính tự chủ và có thể san sẻ gánh nặng cho các nước nghèo, những nước đóng góp tự nguyện theo khả năng. Thế nhưng, kể cả khi có vaccine thì câu hỏi lớn vẫn là liệu các nước nghèo có đủ tiền để mua vaccine hay không bởi khi tham gia Covax các thành viên phải có nguồn tài chính để có cam kết hợp đồng với các nhà cung ứng. Một bất lợi nữa cho nước nghèo là một số quốc gia đang đi đầu trong việc nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa Covid-19 lại không tham gia Covax.

Vaccine vừa thiếu, vừa đắt, vừa khó bảo quản và vận chuyển… giờ lại nảy thêm chuyện các tài liệu liên quan đến quá trình phát triển vaccine đã bị tin tặc mang đi trong một cuộc tấn công mạng nhắm vào Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 9-12. Phía EMA cho biết các tài liệu bị đánh cắp liên quan đến vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech và quá trình xem xét, đánh giá sử dụng. Các thông tin liên quan người tham gia nghiên cứu, hệ thống dữ liệu của Pfizer và BioNTech được khẳng định không bị ảnh hưởng sau vụ tấn công. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định những tài liệu bị đánh cắp có thể vô cùng quý giá đối với các quốc gia khác và các công ty đang chạy đua phát triển vaccine. Những thông tin này có thể chứa những bí mật về vaccine và cơ chế hoạt động, mức độ hiệu quả, rủi ro. Các thông tin này cũng thường bao gồm tác dụng phụ có thể xảy ra và hướng dẫn xử lý trong các trường hợp đặc biệt.

Dù gì, khi thông tin về quá trình phát triển vaccine bị đánh cắp, nó sẽ được sử dụng để bào chế vaccine, và tất nhiên, các loại vaccine sản xuất từ thông tin đánh cắp sẽ khó có thể đem đi đăng ký và khó có ai có thể khẳng định hiệu quả của chúng. Điều này cũng chỉ gây bất lợi cho các nước nghèo bởi giữa lúc vaccine thật hiếm và đắt thì việc xài phải vaccine không bản quyền cũng là một rủi ro lớn.

Thanh Huyền