
Năm 1973, Nguyễn Xuân Trường quê ở thôn Quảng Nạp, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh (ảnh) lên đường bảo vệ đất nước. Năm 1980 anh phục viên và xin vào làm thợ xây dựng tại Công ty xây dựng Trường Thọ của tỉnh. Với tinh thần năng động sáng tạo, vừa làm vừa học, lại có nghiệp vụ kế toán xây dựng, anh đã nhanh chóng tiếp thu được phương thức hạch toán, các thông số định mức trong xây dựng. Mặt khác, qua tìm hiểu thực tế thị trường lao động, anh thấy ở địa phương mình, lực lượng lao động trẻ dư thừa khá nhiều, trong đó không ít người là những CCB và con em của họ. Hằng năm, cứ sau vụ gieo cấy, họ lại rủ nhau ra Hà Nội, đi Lạng Sơn, người thì làm thợ xây, phu hồ, thợ mộc, thợ điện hoặc làm “cửu vạn” để kiếm sống. Khi có việc thường xuyên, mỗi tháng họ chỉ thu được vài triệu đồng, trừ tiền ăn, ngủ, tàu xe, lúc về nhà chẳng còn là bao. Những ngày mưa gió hoặc không có người thuê, cảnh xa nhà, họ lại rủ nhau cờ bạc, thậm chí cả hút hít, cuối cùng không những vẫn nghèo đói, còn kéo theo cả tệ nạn xã hội về làng.
Từ sự nghiên cứu đó, năm 2005, CCB Nguyễn Xuân Trường mạnh dạn đứng ra tập hợp một số CCB có chuyên môn nghiệp vụ, thành lập Công ty xây dựng Trường Xuân, do chính anh làm giám đốc. Bằng nguồn vốn khiêm tốn ban đầu là 4,5 tỷ đồng do anh em, bạn bè, đồng đội gom góp lại và vay thêm của ngân hàng, cùng với 28 công nhân, công ty đứng ra nhận xây dựng các công trình như: trụ sở làm việc cơ quan, nhà văn hóa, hội trường, trường học, trạm y tế, các tuyến đường giao thông, hệ thống kênh mương cứng, cầu, cống, đê, kè trong và ngoài tỉnh. Phương châm hoạt động hàng đầu của công ty là lấy chất lượng công trình và uy tín làm thước đo cho sự phát triển lớn mạnh của đơn vị. Cứ như vậy, bằng tín nhiệm và lòng tin của mình, 5 năm qua, Công ty Trường Xuân đã xây dựng 30 công trình ở các tỉnh phía Bắc với số vốn đầu tư mỗi công trình từ 3 đến 15 tỷ đồng. Trong quá trình xây dựng, Công ty Trường Xuân luôn quan tâm đúng mức đến đời sống, thu nhập, việc làm và an toàn lao động. Mức lương của công nhân được xếp theo bậc kỹ thuật, dân chủ, công khai từ 2 đến 3 triệu đồng/ người/ tháng. Công trình mở đến đâu, ở tỉnh nào, công ty đều phối hợp với Hội CCB ở đó tuyển dụng tại chỗ các CCB và con em họ vào làm việc. Nhờ vậy số lượng công nhân từ 28 người, nay đã lên hơn 100 người. Theo đó, số vốn pháp định ban đầu từ 4,5 tỷ đồng năm 2009, nay đã lên tới 13 tỷ đồng và doanh thu cũng liên tục gia tăng từ 5 tỷ đồng năm 2005, đến nay đã lên 20 tỷ đồng.
Năm 2008-2009, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước bị suy thoái, trong đó ngành xây dựng, nhất là các nhà thầu bị tác động nặng nề về sự leo thang đến chóng mặt của giá cả vật liệu xây dựng, dẫn đến thua lỗ, thiếu vốn, công trình đình trệ, công nhân không có việc làm, phải sa thải hàng loạt; công ty Trường Xuân không những vẫn ổn định mà còn phát triển vững mạnh và tiếp tục tuyển thêm công nhân để vươn cao hơn, xa hơn, trong đó việc trúng gói thầu xây dựng công trình nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Plây Cu, tỉnh Gia Lai tổng kinh phí đầu tư 141 tỷ đồng là một thí dụ!...
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng ở một vùng quê nghèo khó, 5 năm qua, Công ty xây dựng Trường Xuân do CCB Nguyễn Xuân Trường làm giám đốc luôn có sự khởi sắc: Bằng tinh thần năng động sáng tạo, đi tắt đón đầu, công ty đã không ngừng phát triển, vững vàng vươn lên trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước. Công ty đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm công nhân là CCB và con em của họ và chính công ty cũng là nơi hội tụ sức mạnh tổng hợp nghĩa tình đồng đội. Khi hỏi bí quyết làm kinh tế của một người lính chiến trở về làm giám đốc, anh Trường chỉ cười khiêm tốn và bộc bạch: nghị lực; bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”; sức mạnh tình đồng đội và cơ chế thị trường thời hội nhập đã đào tạo tôi trở thành giám đốc.