Lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau dồn sức chống sạt lở đê biển Tây.

Cùng với thiên tai do bão lũ hoành hành ở miền Trung, thời gian hiện nay, bờ biển phía Tây tỉnh Cà Mau đang bị sóng biển xâm thực dữ dội, gây mất đất, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn người dân nơi đây…

Được biết, hệ thống đê biển Tây của tỉnh Cà Mau có chiều dài 108km, xuất phát từ kênh Năm thuộc xã Rạch Chèo (huyện Phú Tân) và kết thúc tại kênh Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến (huyện U Minh), có chức năng phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ngăn triều cường, nước biển dâng và gió bão cấp 9; bảo vệ hơn 26.000 hộ dân sinh sống ven biển, gần 129.000ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản; cấp nước mặn và tiêu thoát nước thải phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Cà Mau.

Tình trạng sóng biển đánh bờ dữ dội ở biển Tây Cà Mau diễn ra đã nhiều năm, vào mùa mưa bão, tại nhiều vị trí biển “ăn” sâu 20-25m/năm, cá biệt có nơi lên đến 50m/năm, như tại cửa biển Vàm Xoáy, Rạch Gốc, Kênh Năm, Hố Gùi... Năm 2020, tình trạng này càng diễn ra trầm trọng. Theo UBND tỉnh Cà Mau, từ đầu mùa mưa đến nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra 30 vụ sạt lở đê sông, đê biển, gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng… Ngày 21-10, tỉnh Cà Mau phải ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đê biển Tây. Theo cơ quan chức năng, tổng chiều dài sạt lở biển Tây Cà Mau lên đến 5.835m; trong đó, huyện Trần Văn Thời có 3 điểm sạt lở với chiều dài 2.085m, huyện U Minh có 2 điểm sạt lở với chiều dài 3.750m. Cụ thể, các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời gồm đoạn Kênh Mới đến Đá Bạc dài 700m; đoạn Đá Bạc đến Sào Lưới dài 885m; đoạn Bắc Sào Lưới hướng về Ba Tĩnh dài 500m. Các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm thuộc địa bàn huyện U Minh gồm đoạn Bắc, Nam vàm Khánh Hội dài 1.250m và đoạn từ Giồng Cát đến Tiểu Dừa dài 2.500m. Các đoạn bị sạt lở đang diễn biến phức tạp, có nơi đai rừng còn rất mỏng, thậm chí có những điểm không còn đai rừng phòng hộ, gây nguy hiểm rất nghiêm trọng và uy hiếp trực tiếp đến thân đê, nguy cơ ảnh hưởng trục tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống điện cao thế, trung thế, trạm y tế, trường học…

Bằng sức mình và sự chi viện của cả nước, của các ngành chức năng, tỉnh Cà Mau đã huy động lực lượng ứng cứu tại chỗ và phương tiện tại chỗ, vận động bà con dùng cây gỗ địa phương chống nơi sạt lở, dùng bao đất ngăn sóng tràn qua đê và huy động lực lượng lao động tại chỗ tham gia trực tiếp chống sạt lở. Từ đầu tháng 7 đến nay, đã có trên 1.000 người tình nguyện tham gia ứng cứu nguy cơ sạt lở đê biển nói chung, đê biển Tây nói riêng. Đồng thời, tỉnh cũng bố trí các lực lượng túc trực 24/24 để theo dõi và xử lý khi có các tình huống xấu xảy ra, lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm ngay  chỗ có nguy cơ sạt lở; không để người dân khai thác đất dưới lòng sông, bờ kênh; gia cố bằng vật liệu của địa phương (đất, cừ tràm) nhằm hạn chế sạt lở, sụt lún đất; sẵn sàng các phương án khắc phục sạt lở, sụt lún đất ngay khi mùa mưa đến… Hàng chục dự án lớn với số vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng như làm đê bê tông rỗng chắn sóng; chuẩn bị đá, rọ sắt, cọc tràm; tổ chức trồng rừng ven biển đã được thực hiện. Ngành chức năng của Cà Mau cũng đang triển khai bơm 200.000m3 cát và bùn vào tuyến kênh ven chân đê với chiều dài 4,3km gây phản áp để giữ đê và triển khai bơm cát san lấp kênh đê đoạn Đá Bạc để làm khu dân cư xen ghép, phục vụ bố trí dân cư đối với các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đê biển Tây trên địa bàn xã Khánh Bình Tây. Đi đôi với các biện pháp kỹ thuật, Cà Mau đã sắp xếp, bố trí lại dân cư ven rừng, ven biển. Tuy nhiên, do thiếu quỹ đất và nguồn vốn nên hiện nay tỉnh mới bố trí được hơn 1.500 hộ. Huyện U Minh có 122 hộ dân sinh sống ven đê và trong khu vực rừng phòng hộ đê biển Tây cần di dời, tuy nhiên, tại 2 khu tái định cư Vàm kênh Lung Ranh và Hương Mai chỉ còn khoảng 36 nền chỉ có thể bố trí cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Với nỗ lực của địa phương và sự giúp sức từ T.Ư, tỉnh Cà Mau đang thực hiện di dời những hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở cao về những nơi an toàn, thực hiện các biện pháp mạnh chống người dân lấn chiếm và tái chiếm các vị trí nguy hiểm ven sông, ven bờ biển. Lộ trình tới năm 2025, Cà Mau cần khoảng 1.400 tỷ đồng để di dời thêm gần 4.800 hộ vào sinh sống ổn định ở các cụm, tuyến dân cư mới và tạo sinh kế cho những hộ này, không chỉ đánh bắt thủy hải sản gần bờ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân là điều các ngành chức năng ở đây luôn quan tâm.

Hy vọng, với tâm và sức của người Cà Mau nói riêng, của cả nước nói chung, sóng biển Tây Cà Mau chẳng thể khuất phục được con người nơi đây.

Thái Hải