Charles Chuck Feeney, tỷ phú 89 tuổi người Mỹ vừa tuyên bố dừng mọi hoạt động của Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies sau gần 40 năm hoạt động. Quỹ này giải tán vì đã tiêu hết toàn bộ tài sản khoảng 8 tỷ USD của ông cho các hoạt động từ thiện theo đúng cam kết của ông: “Cho đi khi còn sống” - chính triết lý hành thiện này của Charles Chuck Feeney đã truyền cảm hứng cho rất nhiều tỷ phú khác cam kết dành phần lớn tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện, trong đó có Bill Gate.

Là tỷ phú nhưng Feeney sống vô cùng tiết kiệm. Ông cùng vợ sống trong một căn hộ bình dân ở San Francisco, không có ô tô, không mặc đồ hiệu, đeo kính cũng đã cũ, đi máy bay hạng phổ thông, và không ăn uống tại các nhà hàng sang trọng... Cuộc sống của ông vô cùng giản dị, có phần hà tiện, nhằm dồn tiền của cho các chương trình từ thiện mà ông thấy cần thiết. Đối với Việt Nam, quỹ từ thiện của Feeney đã tài trợ gần 382 triệu USD cho 297 dự án thư viện, đại học và xây dựng hệ thống y tế công cộng, kéo dài từ năm 1997-2015. Điển hình như, ông dành 45 triệu USD giúp nâng cấp và hỗ trợ Bệnh viện mắt Đà Nẵng năm 2004-2006...

Mỹ cũng là quốc gia sinh ra một “ông sếp ngược đời”, đó là Dan Price, Giám đốc điều hành Công ty tài chính Gravity. Nhận thấy mức lương mà mình được hưởng quá cao (1,1 triệu USD/năm), gấp 36 lần so với các nhân viên tại công ty (trung bình 33.000 USD/năm); Dan Price đã tìm hiểu và biết rằng, mơ ước của nhân viên trong công ty là đạt thu nhập khoảng 75.000 USD/năm. Anh đã đi đến quyết định, giảm lương của chính mình xuống chỉ còn 70.000 USD/năm; dành khoản tiền đó nâng lương cho 120 nhân viên trong công ty, trước mắt đạt 50.000 USD/năm và sẽ nâng dần cho đến khi nhân viên cũng sẽ đạt đến mức lương của “sếp”. Hành động đó, đương nhiên gây chấn động, nhân viên trong công ty thì vui mừng đến phát khóc, còn một số cổ đông, thậm chí cả anh trai của Dan Price cũng kiện anh vì khoản lợi nhuận được chia bị sụt giảm. Thêm vào đó, có quá nhiều người đến xin vào làm việc cho Công ty Gravity, khiến cho các đối thủ kinh doanh kiện Dan Price vì cạnh tranh bất bình đẳng... Còn trái ngọt mà Dan Price nhận được là sự quý mến của nhân viên toàn công ty. Công ty của anh nhờ thế cũng “ăn nên làm ra” do có thêm nhiều khách hàng, thu nhập trung bình của nhân viên tăng lên tới 103.000 USD/năm. Để tri ân anh, toàn thể người lao động trong công ty đã góp tiền mua tặng Dan Price một chiếc xe hơi và lời cảm ơn vị sếp đã “nghĩ tới mọi người nhiều hơn cả bản thân”.

Kiểu từ thiện “cho đi khi còn sống” của tỷ phú Charles Chuck Feeney và cách lấy lương của sếp chia cho nhân viên của Dan Price cho thấy, họ là những mẫu người sống đẹp, người của tương lai chứ không phải của thời kỳ hiện nay.

Chuyện ở nước Mỹ xa xôi có liên quan gì đến Việt Nam?

Thực ra, ở Việt Nam hiện nay cũng không thiếu những tấm gương sống đẹp. Khi dịch Covid-19 hoành hành, chúng ta vô cùng xúc động trước câu chuyện những Mẹ Việt Nam Anh hùng tuổi đã xấp xỉ 100 vẫn “mổ lợn” lấy những đồng tiết kiệm của mình ủng hộ cả nước chống dịch. Chuyện một bà cụ gần 90 - một cựu dân công Điện Biên Phủ tình nguyện trả lại sổ hộ nghèo vì cho rằng, mình đủ sống, để suất hộ nghèo này cho gia đình khác khốn khó hơn... Nghĩ xa hơn nữa, trong hai cuộc kháng chiến “thần kỳ” của dân tộc, cả xã hội chúng ta đã sống theo phương châm “Một người vì mọi người, mọi người vì một người”, “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà luôn tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”, “Xe chưa qua nhà không tiếc”...

“Muốn có chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa”, lời dạy đó của Bác Hồ còn nguyên giá trị trong nền kinh tế thị trường hôm nay. Xã hội nào cũng có người tốt và người xấu. Với những tấm gương người tốt, chúng ta cần lan tỏa suy nghĩ và việc làm của họ để “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.

Vậy nên, kể lại hai tấm gương “người tốt, việc tốt” của nước Mỹ, cũng rất có giá trị với xã hội chúng ta.

Tôi tin rằng, những vị quan chức tham nhũng sẽ xấu hổ khi biết chuyện về hai con người sống đẹp ở nước Mỹ. Và rất nhiều người bình thường trong số chúng ta, cũng ngộ ra một chân lý: Chúng ta khó có thể làm điều gì đó vĩ đại cho xã hội, nhưng những việc tốt nho nhỏ thì chúng ta đều có thể làm mỗi ngày.

Đó cũng là cách “cho đi khi còn sống” của những người bình thường.

Hà Thanh