Một cuộc họp của Liên Hợp quốc về Iran.  

Trong quan hệ quốc tế, việc các nước có bất đồng rồi áp dụng các chính sách để ép đối phương theo ý mình cũng là chuyện bình thường, một khi việc “ép nhau” không vi phạm luật pháp quốc tế.

Ấy nhưng, một khi áp dụng chính sách đi ngược lại thông lệ hay luật pháp quốc tế thì đó là mối nguy cho cả khu vực và thế giới bởi nó sẽ dẫn tới việc tôn thờ chủ nghĩa đơn phương, coi thường tiếng nói của các nước khác.

Việc Mỹ khôi phục hoàn toàn các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc (LHQ) chống Iran ngày 20-9 là một ví dụ điển hình, nhất là khi Tuần lễ cấp cao LHQ bắt đầu đúng một ngày sau đó.

Chỉ bằng một thông cáo, Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo tuyên bố: Mỹ hoan nghênh việc áp đặt trở lại gần như toàn bộ các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Iran, vốn đã được dỡ bỏ trước đó trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng: “Iran vẫn là nước tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới và chúng tôi không tin rằng họ có thể tiếp tục buôn bán vũ khí chiến tranh mà không bị trừng phạt. Chúng tôi sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran để lệnh cấm vận vũ khí với nước này sẽ kéo dài vô thời hạn”. Cùng với thông báo trên, Mỹ cũng cảnh báo sẽ trừng phạt bất kỳ nước nào vi phạm lệnh của LHQ cấm Iran xuất khẩu vũ khí cũng như các nước bán vũ khí cho quốc gia này. Dù lệnh cấm đã bước sang năm thứ 13 nhưng bất chấp sự chỉ trích của Mỹ, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ tháng trước đã bỏ phiếu không gia hạn lệnh cấm vận này khi nó hết hạn vào tháng 10 tới.

Mỹ đã đưa ra tuyên bố của mình bất chấp sự phản đối của nhiều nước. Washington đang bị cô lập trong vấn đề này trước cộng đồng quốc tế, khi toàn bộ các nước lớn khác, kể cả Nga, Trung Quốc, đặc biệt là những đồng minh châu Âu đều phản đối. 13 trong số 15 quốc gia thành viên HĐBA LHQ không đồng tình với động thái mới nhất của Mỹ đối với Iran. Trong một bức thư gửi tới HĐBA LHQ, Pháp, Anh và Đức tuyên bố: mọi quyết định hay biện pháp được đưa ra nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran đều không có bất kỳ hiệu lực pháp lý nào. Tổng thư ký LHQ - Antonio Guterres cũng tuyên bố LHQ chưa đưa ra hành động nào về các biện pháp trừng phạt đối với Iran do "có sự không chắc chắn" liên quan đến vấn đề trên.

Thế nhưng, chắc chắn Mỹ đã lường trước được phản ứng của các quốc gia liên quan khi thực hiện bước đi này. Quyết định đã được đưa ra. Một là theo Mỹ. Hai là sẽ bị Mỹ trừng phạt. Những động thái đơn phương của Mỹ như đang đối chọi đầu với cả thế giới. Giới quan sát thì chỉ rõ Washington đang muốn sử dụng sức mạnh từ hệ thống tài chính và kinh tế để buộc các nước tiếp tục thực thi lệnh trừng phạt của LHQ. Quyết định của Mỹ được cho là kết quả của một chuỗi những nỗ lực bất thành tại LHQ, từ đề xuất gia hạn lệnh cấm vận vũ khí tới việc tái áp đặt trừng phạt chống Iran. Điểm gây tranh cãi nhất chính là việc Mỹ lấy danh nghĩa là một bên ký kết thỏa thuận hạt nhân để buộc LHQ phải hành động, dù nước này đã rút khỏi văn kiện từ năm 2018.

Dù gì, hành động đơn phương của Mỹ cũng như dội thêm một gáo nước lạnh  vào Hội nghị Đại hội đồng LHQ, bắt đầu từ ngày 21-9 đến 2-10 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại New York, Mỹ, do ảnh hưởng của Covid-19. Đã nhiều lần Mỹ phớt lờ nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về các vấn đề như dỡ bỏ cấm vận với Cuba, hay yêu cầu Mỹ từ bỏ một số chính sách của mình. Lần này, với việc đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, rồi đơn phương áp đặt cấm vận, bất chấp cả nghị quyết của HĐBA hay cam kết với đồng mình, Mỹ lại một lần nữa đặt tiền lệ xấu trong giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới.

Thanh Huyền