Đó là lời mở đầu ca khúc "Nam Bộ kháng chiến" - một bài hát khá quen thuộc những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở miền Nam cùng với một số ca khúc cách mạng như "Đi hồng binh" của Đỗ Nhuận, "Đoàn Vệ quốc quân" của Phan Huỳnh Điểu, “Mười chín tháng Tám” (19-8) của Xuân Oanh… Tháng 8 mùa thu năm nay, kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng ta lại nhớ tới tác giả - nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, nhớ “Nam Bộ kháng chiến” với những lời ca giục giã lên đường bằng những vũ khí thô sơ:

“Mùa Thu này, ngày hăm ba.

Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…

Mác với dáo mang trên vai…

đem thân ta nhiều cho nước…

Người trai hùng rời quê hương trong đêm sương.

Hồn vương tiếng súng trận tiền...".

Chắc đến bây giờ những người ở tuổi trên dưới 80 hẳn ít nhiều còn nhớ tới bài ca “Nam Bộ kháng chiến" bởi nó ra đời vào mùa thu năm 1945. Ca từ và giai điệu dồn thúc, giục giã không chỉ người dân Nam Bộ mà toàn dân nước Nam hướng về Nam Bộ kháng chiến, xông ra trận tiền, quyết sống chết với quân thù.

Tác giả  Tạ Thanh Sơn, sinh năm 1921 tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ông là con trai thứ của chủ hãng rượu Quản Đức An nổi tiếng trong vùng thời đó. Năm 1945, Tạ Thanh Sơn 24 tuổi, tham gia thanh niên xung phong, dự lớp huấn luyện tại làng Mỹ Xương, tỉnh Đồng Tháp, sau đó xung phong vào Đội tuyên truyền Quân khu 8. Và chính trong những ngày Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến 9 năm, Tạ Thanh Sơn đã sáng tác “Nam Bộ kháng chiến”.

Tạ Thanh Sơn có người anh giàu lòng yêu nước khi đó đang du học ở bên Pháp, nhưng không cộng tác với Pháp mà còn tham gia các phong trào tiến bộ của nhân dân Pháp, hoạt động cùng với Việt kiều yêu nước, nên bị thực dân bí mật thủ tiêu. Do ảnh hưởng của người anh cũng như truyền thống cách mạng yêu nước của gia đình bên vợ ở Bến Tre, Tạ Thanh Sơn đã tham gia cách mạng. Thời kỳ này, ông bị mật thám theo dõi rồi bắt giam tại Khám Lớn - Sài Gòn. Trong tù, ông gặp lại tên sĩ quan Pháp cùng học chung một thời, tên này dụ dỗ ông ra làm việc cho Pháp, nhưng ông từ chối thẳng thừng: "Ông có Tổ quốc của ông, tôi có Tổ quốc của tôi, lẽ nào tôi theo các ông chống lại dân tộc, Tổ quốc tôi".

Khuyến dụ không được, chúng đầy ông sang Pháp cho đến năm 1949 mới thả về nước. Khi trở về, ông xuống Đồng Tháp tìm lại cơ sở cách mạng nhưng không gặp nên lại về Sài Gòn dạy học ở Trường Huỳnh Khương Ninh cho đến năm 1968 khi cha ông qua đời, ông mới trở về quê tiếp tục lo quản lý hãng rượu. Sau ngày miền Nam giải phóng 30-4-1975, ông tham gia công tác Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc T.P Cần Thơ rồi lại trở về Trà Ôn (Vĩnh Long) và mất tại đây ngày 23-8-1986 đúng vào ngày “Mùa thu rồi ngày hăm ba...” cách đó 41 năm.

Đến nay, hơn 70 năm trôi qua nhưng nghe lại lời ca bài "Nam Bộ kháng chiến" lại như vẫn còn vang dội tiếng trống, tiếng mõ, tiếng gươm, giáo mác của ngày đầu Cách mạng Tháng Tám. Để nhớ ơn tác giả, ngày nay, nếu có dịp về Trà Ôn cách thị trấn này 3km thăm di tích lịch sử Thống Chế Điều Bát, bạn có thể ghé thăm mộ của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, do gia đình và nhân dân địa phương xây dựng.

Nhạc và lời ca khúc "Nam Bộ kháng chiến" như một lời hiệu triệu, kêu gọi toàn dân tham gia kháng chiến chống Pháp, nhịp đập như lời thúc giục giã tiến bước đi lên hòa vào dòng người tham gia cách mạng.

Lê Hồng Thiện