Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc trong cuộc gặp với Thủ tướng Malaysia ở Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 7-9.

“Hiện tình hình ở Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định" nhờ vào nỗ lực chung của Trung Quốc và ASEAN - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc phát biểu trong chuyến thăm Indonesia hôm 8-9.

Trong chuyến thăm Malaysia ngay trước đó, ông Ngụy Phượng Hòa cũng nói rằng: "Tình hình ở Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, Trung Quốc nguyện nỗ lực cùng các nước ASEAN để giữ hòa bình và sự yên ổn của Biển Đông".

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc nói rằng tình hình Biển Đông vẫn ổn định. Giữa tháng 7 vừa qua, sau khi Mỹ chính thức bác bỏ gần hết yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ra tuyên bố nêu: "Tình hình Biển Đông vẫn hòa bình, ổn định và đang cải thiện".

Biển Đông có thực sự ổn định?  Hay đó là cách ổn định theo kiểu Trung Quốc? Câu trả lời là tình hình Biển Đông không những không ổn định mà có những diễn biến rất nghiêm trọng. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng công du liên tiếp 4 nước trong ASEAN là Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines thì Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan đang diễn ra trực tuyến tại Hà Nội. Trong tuyên bố của mình, các Bộ trưởng dự Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ngày 12-9 nhấn mạnh yêu cầu không làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa ở Biển Đông: "Các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Trước những diễn biến phức tạp, vụ việc nghiêm trọng và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, các bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu tự kiềm chế, không có các hành động phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982", Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

Như vậy, Biển Đông có những diễn biến nghiêm trọng chứ không phải ổn định như Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói. Ổn định gì khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 8-9 cho biết Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Theo trang Philstar, ông Delfin Lorenzana nói rằng binh sĩ Trung Quốc hiện nay luôn luôn hiện diện trên đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi - nằm trong số những nơi mà Bắc Kinh đã bồi đắp trái phép ở Biển Đông.

Diễn biến trên Biển Đông trong nhiều năm qua đã thực sự làm thay đổi hiện trạng và dấy lên những lo ngại về cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc. Ngoài việc tiếp tục quân sự hóa các đảo, đá chiếm trái phép của Việt Nam, Trung Quốc cũng gia tăng sự hiện diện của các tàu quân sự và dân sự để cản trở các hoạt động kinh tế biển của Việt Nam và các nước khác, đe dọa tự do hàng hải và hàng không, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế và coi thường luật pháp quốc tế.

Không khó để điểm ra những diễn biến, vụ việc phức tạp, các hành động vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển liên quan đến cách hành xử kiểu “nước lớn” của Trung Quốc. Một Biển Đông ổn định thực sự cần trách nhiệm chung của tất cả các nước. Theo đó, lập trường chung của các quốc gia là yêu cầu thượng tôn pháp luật, tự kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Thế nhưng, nói đến UNCLOS 1982 thì Trung Quốc cũng có các diễn giải Công ước này theo cách riêng của mình, một cách chỉ Trung Quốc có lợi, cách mà “đường lưỡi bò” vẫn “liếm” gần trọn Biển Đông. Giờ đây, khi vẫn đang quân sự hóa, vẫn rầm rộ diễn tập quân sự, vẫn tiếp tục quấy rối, chèn ép các nước láng giềng trên biển thì Trung Quốc vẫn coi đó là “sự ổn định”. Quả là một sự ổn định nguy hiểm.

Thanh Huyền