Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên

Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây

Ngẩng trời cao, cúi đất dày

Cắn môi tay nắm bàn tay của mình

Một vùng cồn bãi trống trênh

Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề

Hút tầm chẳng cánh hoa lê

Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non

Xạc xào lá cỏ héo hon

Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi

Lặng im bên nấm mộ rồi

Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm

Không cành để gọi tiếng chim

Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời

Không vầng cỏ ấm tay người

Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu.

Thanh minh trong những câu Kiều

Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân

Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân

Phong trần còn để phong trần riêng ai

Bao giờ cây súng rời vai

Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên

Trái tim lớn giữa thiên nhiên

Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa...

Vương Trọng

Lời bình:

Nhà thơ, Đại tá Quân đội Vương Trọng là người rất mê Kiều. Hình như cái duyên này đã “bén” vào ông như một định mệnh mà ngay từ họ Vương (là họ Thúy Kiều) đến tên (mang tên Kim Trọng). Ông có trí nhớ nổi tiếng vì vốn là dân “Tổng hợp toán”, ông có thể đọc thuộc cả truyện Kiều và nhớ rất kỹ các điển tích.  

Bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du” là một trong những tác phẩm tâm đắc nhất của đời thơ ông và đây cũng là một trong những bài lục bát hay nhất của thơ Việt Nam hiện đại. Bài thơ được in lại nhiều lần trong các tuyển tập thơ Việt Nam. Mở đầu bài thơ là câu thơ dẫn chuyện thật bình dị ngẫu nhiên: “Tưởng là phận bạc  Đạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây”. Có một điều lạ trong thi ca Việt Nam hiện đại nhiều bài thơ hay lại là thơ có cốt truyện như: “Núi đôi” (Vũ Cao); “Đêm nay Bác không ngủ” (Minh Huệ), “Thăm lúa” (Trần Hữu Thung), “Quê hương” (Giang Nam)... thì ở bài thơ này là một tình huống nhà thơ về thăm mộ Nguyễn Du được đặt trong khung cảnh hay nói rõ hơn là cảnh huống đã tạo ra cho nhà thơ các cung bậc đan xen xúc động, các ngẫm ngợi lắng sâu và lay thức. Những cặp lục bát như lời tâm tình có thổn thức, có sẻ chia, có cảm thông, có trăn trở. Với cái tâm của một nhà thơ mặc áo lính, hình ảnh nhà thơ hiện lên trong khung cảnh bên ngôi mộ Đại thi hào lúc bây giờ được bộc lộ bằng tâm trạng qua  hình ảnh: “Ngẩng trời cao, cúi đất dày/ Cắn môi, tay nắm bàn tay của mình”. Một cử chỉ khiêm nhường, một động thái nhiều thổn thức lay đọng  khi nhìn thấy: ‘Một vùng cồn bãi trắng trênh/ Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề”.

Đại thi hào Nguyễn Du là tác giả “Văn tế thập loại chúng sinh” nổi tiếng. Trong thời điểm ấy hình ảnh: “Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề” gợi cho ta sự xúc động, một liền mạch đất đai, một hòa chung cây cỏ, một tri âm tri ngộ giữa một bậc vị nhân với chúng sinh. Và tiếp đó là những câu thơ tả cảnh, tả tâm trạng có sức gợi và đặc biệt như vòng sóng giao thoa tâm linh, cảm thông trăn trở cứ như níu kéo không dứt vừa thiết tha vừa ứng gọi với các cặp: “Không cành - không hoa - không vầng cỏ” trong khung cảnh chao đảo cả lòng người: “Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu”. Đây là tâm trạng có thật vì thế rất xúc động.

Có một sự lan truyền đồng cảm vừa ngưỡng mộ vừa day dứt nhưng tuyệt nhiên không có lời ca thán ủy mị trách móc. Những năm tháng ấy do hoàn cảnh còn khó khăn, khu mộ chưa xây lại được là có thật. Nhưng những cặp lục bát lại như những nhịp cầu nhân hậu nối Đại thi hào với thiên nhiên với chúng sinh. Từ nhiều cái “không” để dẫn đến cái “có” đến hành động cao đẹp: “Bao giờ cây súng rời vai/ Nung vôi chở đá tượng đài dựng lên”. Bắt đầu từ: “Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm” đến với một thanh lọc một lay gọi: “Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân/ Phong trần còn để phòng trần cho ai” từ đó vươn tới một nhận thức cao cả, một chiêm nghiệm sâu sắc có tính dự báo đầy nhân văn và trách nhiệm: “Trái tim lớn giữa thiên nhiên/ Tình hương nối nhịp suốt nghìn năm xa”...

Có thể nói bài thơ “Bên mộ cụ Nguyễn Du” là một khúc ca tưởng niệm tâm tình nhân tính và từ đó khái quát lên một tâm tình nhân đạo về vẻ đẹp của thi nhân và thế hệ mai sau ngưỡng vọng về cụ. Từ cái khoảng cách ngưỡng mộ khi nhà thơ gọi Đại thi hào là cụ “Nguyễn Tiên Điền” đến rút ngắn lại tiếng gọi thiết tha của con cháu tri âm đồng cảm “Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân”. Bài thơ cũng là một tấm bia tinh thần nhân văn, nhân ái trong lòng người quý vọng bậc Đại thi hào khi hôm nay chúng ta về thăm khu mộ hoành tráng tôn kính trong nắng thu vàng đầy ắp tiếng chim, rực rỡ những bó hoa viếng mộ. Và ngôi mộ cụ Nguyễn Tiên Điền vẫn là trái tim lớn nằm giữa bao thập loại chúng sinh, giữa cỏ đã lên xanh, cây đã rợp bóng, giữa bao dòng người về viếng Đại thi hào nhân 200 năm ngày mất của cụ…

Hà Tĩnh, ngày 7-9-2020

Nguyễn Ngọc Phú